Học sinh sáng tạo xe lăn 2 trong 1

Thứ bảy - 26/02/2022 09:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Mong muốn người khuyết tật chân có thể tự lên xuống xe và có thể nâng hạ độ cao của xe để thuận tiện trong các sinh hoạt hàng ngày, 2 học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã sáng tạo xe lăn với các chức năng trên.
Đó cũng chính là kết quả của đề tài Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật chân, người hạn chế chức năng vận động chân. Sáng tạo này đã mang về cho 2 em giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học vừa qua.
97f1c8be3527f979a036.jpg
Em Đinh Hoàng Đức chạy thực nghiệm Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật chân, người hạn chế chức năng vận động chân
*Sáng tạo nhân văn
Chủ nhân của sản phẩm xe lăn 2 trong 1 nói trên là em Đỗ Kim Khánh, lớp 11A1 và em Đinh Hoàng Đức, lớp 11 Sinh. Kim Khánh chia sẻ: “Từ ý kiến khảo sát người khuyết tật chân, chúng em nhận thấy khó khăn nhất của họ là thao tác lên - xuống xe lăn khi sử dụng. Những người còn trẻ, khỏe thì có thể tự xoay trở được, còn người già, yếu thì cần phải có người giúp đỡ mới có thể ngồi lên xe được”.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm thiết kế xe lăn có 2 bản lề, có thể mở ra được và ôm lấy người bệnh, giúp người bệnh có “điểm tựa” để tự di chuyển lên xe. Tiện lợi thứ 2 là xe có thể nâng hạ độ cao để phù hợp với người ngồi. “Những người khuyết tật chân mà khỏe mạnh hoàn toàn có thể tự làm việc nhà, việc nâng độ cao (chênh lệch độ cao 32cm) giúp họ có thể với được những vật dụng ở trên cao hoặc có thể làm những công việc cần độ cao nhất định, như nấu cơm chẳng hạn” - Kim Khánh nói thêm.
Theo đó, xe được thiết kế bằng 2 vật liệu chính là khung sắt và gỗ. Trọng lượng của xe là 17kg. Xe có thể chịu được tải trọng từ 50-90kg với vận tốc di chuyển tối đa là 12km/giờ. Ngoài ra, xe có chế độ cài đặt vận tốc cố định, khuyến khích ở mức 6km/giờ. Một ưu điểm khác của xe là xe chạy bằng điện với tổng thời gian 1,5 tiếng, có thể điều khiển bằng remote hoặc bằng joystick với khoảng cách lên đến 40m. Như vậy, khi không có xe bên cạnh mà cần dùng xe, người dùng chỉ việc điều khiển remote để xe tự chạy đến nơi mà không cần đi tìm hoặc phải có người khác đẩy xe đến.
Tuy nhiên, nhược điểm là khối lượng của xe còn khá nặng, tính thẩm mỹ chưa cao; xe không thể di chuyển thuần cơ khi không có nguồn điện. Nhóm mong muốn sẽ khắc phục nhược điểm này, đồng thời phát triển thêm một số tính năng mới như: đo nhịp tim; nút bấm liên lạc khẩn cấp để kết nối với người thân hoặc nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp.
Lên ý tưởng và thực hiện đề tài trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 khá căng thẳng nên 2 em gặp những khó khăn nhất định. Thời gian đầu, nhóm và giáo viên hướng dẫn hầu như chỉ làm việc online. Cho đến khi cả 2 thành viên đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 mới chuyển sang làm việc trực tiếp. Tuy nhiên, đến khi thi, các em vẫn phải thi online.
Theo Kim Khánh, khó khăn nhất của nhóm trong quá trình tham gia cuộc thi KHKT là ít được gặp nhau để làm việc trực tiếp do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Một số linh kiện, thiết bị cũng khó tìm mua. Đặc biệt, nhóm gặp nhiều khó khăn trong khâu thiết kế, lựa chọn các thông số làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Thầy Vũ Thanh Bình, giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết: “Nếu thi trực tiếp, các em sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm nhiều hơn khi giám khảo đến tận nơi để quan sát, trao đổi, vấn đáp… Tuy nhiên, khi thi online, các em chỉ có tổng cộng 15 phút để trình bày. Các em phải chắt lọc những điều đặc sắc nhất để thuyết phục Ban giám khảo”.
b418d86b25f2e9acb0e3.jpg
Em Đỗ Kim Khánh thực nghiệm điều khiển Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật chân, người hạn chế chức năng vận động chân bằng remote
* Nuôi dưỡng đam mê
Đây là lần thứ 2 Kim Khánh dự thi ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, cũng là lĩnh vực mà nữ sinh này rất đam mê và mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi ở bậc đại học. Kim Khánh hào hứng nói: “Ước mơ của em là trở thành kỹ sư cơ khí. Tham gia cuộc thi KHKT chính là cơ hội để em được tiếp xúc, cọ xát nhiều với lĩnh vực này. Từ cuộc thi, em đã học hỏi được nhiều điều. Em dự định sau này sẽ thi vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật để theo đuổi ước mơ”.
Không hề kém cạnh, Hoàng Đức cũng đã từng đạt giải Nhì cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 với đề tài Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải nhà máy sữa kết hợp với men bồ hòn.
Hoàng Đức chia sẻ: “Đề tài lần này không liên quan đến môn chuyên của em và cũng không gần với định hướng nghề nghiệp của em sau này. Tuy nhiên, việc tham gia dự thi ở lĩnh vực mới đã giúp cho em có thêm nhiều trải nghiệm, học hỏi được nhiều kỹ năng và khám phá được nhiều điều ở chính bản thân mình”.
Theo thầy Bình, ban đầu cả 2 còn khá “non”, nhưng sau quá trình tự học, tìm hiểu, nghiên cứu thì các em đã phát triển được nhiều kỹ năng, các em tự tin hơn; năng lực tự nghiên cứu, tự học tăng lên. Có những vấn đề mà giáo viên chỉ giao đề bài, các em sẽ tự tìm hiểu, tự đưa ra đáp án, sau đó thảo luận để chọn hướng giải quyết phù hợp.
Với những gì đã đạt được từ cuộc thi KHKT và định hướng nghiên cứu, Kim Khánh mong muốn nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 lắng xuống thì sẽ tiếp tục tham gia các sân chơi khác để phát triển sản phẩm tốt hơn và học hỏi được nhiều điều hơn. “Tôi khuyến khích học sinh nếu có cơ hội thì tiếp tục đem sản phẩm đi dự thi ở các cuộc thi khác. Vì tùy theo tiêu chí của cuộc thi, mỗi hội đồng giám khảo sẽ có những đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, học sinh không chỉ có cơ hội học hỏi nhiều mà còn có thêm nhiều gợi mở để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn” - thầy Bình cho hay.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây