Trong nhiều năm qua, các chính sách pháp luật về lao động, lao động nữ, bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt quyền lợi cho người lao động (NLĐ), trong đó có lao động nữ. Theo đó, nhiều mô hình, cách làm hay đã được các cấp Công đoàn thực hiện nhằm hỗ trợ cho nữ lao động nhập cư nâng cao năng lực để có cuộc sống tốt hơn.
Giúp nữ công nhân nâng cao nhận thức
Cùng với sự phát triển của xã hội, lực lượng lao động nữ di cư từ nông thôn lên thành thị và các KCN làm việc ngày càng tăng. Bên cạnh những thuận lợi như có việc làm, thu nhập ổn định so với ở nông thôn, lao động nữ còn gặp một số khó khăn như: làm thêm giờ, áp lực về khoán sản phẩm, chất lượng bữa ăn ca kém, thu nhập chưa đủ trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, phải thuê nhà ở, khó khăn trong việc gửi con nhỏ, hạn chế về hiểu biết xã hội, ít có điều kiện tiếp cận các thông tin liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bản thân.
Trước thực tế đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ pháp lý cho NLĐ nói chung và lao động nữ nhập cư nói riêng. Tại 63 tỉnh, thành đã có 19 trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, 42 văn phòng và 15 tổ tư vấn pháp luật cho công nhân lao động. Nhiều mô hình hoạt động trợ giúp pháp lý cho NLĐ được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực như: mô hình công nhân nòng cốt ở Đồng Nai; mô hình tư vấn pháp luật lưu động ở Hà Nội; hình thức tuyên truyền pháp luật ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Vĩnh Phúc...
Tại Đồng Nai, với tỷ lệ lao động nhập cư chiếm 60%, lao động nữ chiếm 70% trong tổng số trên 800.000 lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, hoạt động trợ giúp phát lý cho lao động nữ đã và đang được các cấp Công đoàn quan tâm, thực hiện. Trong đó có việc thành lập trung tâm, văn phòng, các tổ tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân. Riêng Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận và tư vấn hàng chục đơn thư, phản ánh của NLĐ qua các hình thức: trực tiếp đến trung tâm, tư vấn qua điện thoại, qua đơn thư. Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà, có khoảng 40% các vụ trợ giúp pháp lý mà trung tâm thực hiện liên quan đến quyền lợi của lao động nữ, trong đó đặc biệt là quyền lợi nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ, con ốm. Riêng đội ngũ công nhân nòng cốt, nhiều nữ công nhân tham gia đã trưởng thành, họ không chỉ tự bảo vệ mình mà còn tích cực tư vấn, bảo vệ cho đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, có các điểm hỗ trợ tư vấn pháp luật cho công nhân tại TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Điểm nổi bật của các điểm tư vấn này là thành lập và duy trì đội ngũ công nhân nòng cốt. Đó là những công nhân lao động đang trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, họ được đào tạo về pháp luật lao động để tư vấn pháp luật cho công nhân tại doanh nghiệp, tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Phan Thị Hiếu, phụ trách Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn huyện Nhơn Trạch, hằng ngày, trung tâm tiếp nhiều NLĐ đến liên hệ nhờ tư vấn, giúp đỡ, trong đó lao động nữ chiếm trên 50%. Đa phần lao động nữ đều rất quan tâm đến các vấn đề về quyền lợi của mình khi mang thai, nuôi con nhỏ; tăng ca đối với NLĐ nuôi con nhỏ; cho nghỉ việc khi mang thai... Mọi kiến nghị của công nhân đều được Văn phòng tư vấn giải thích để NLĐ và cả doanh nghiệp hiểu được việc làm đúng sai của mình, từ đó giúp họ chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Tích cực chăm lo cho lao động nữ
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cho công nhân, đặc biệt là lao động nữ, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bệnh phụ khoa cho lao động nữ; tổ chức thăm hỏi, động viên nữ lao động có hoàn cảnh khó khăn và bệnh hiểm nghèo... Tại nhiều doanh nghiệp còn thành lập và duy trì quỹ giúp nhau làm kinh tế.
Theo Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom Trần Thị Hồng Thảo, cùng với việc tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức cho nữ công nhân, nhiều CĐCS đã tác động, thương thảo với doanh nghiệp nhiều chính sách chăm lo tốt cho lao động nữ như: nữ mang thai được sắp xếp làm ở bộ phận nhẹ nhàng, được về sớm 1 tiếng và được trợ cấp các khoản nuôi con nhỏ... Các chính sách thiết thực đó đã giúp nữ công nhân có điều kiện và thời gian chăm sóc bản thân, gia đình.
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phước Mạnh cho hay, việc quan tâm, chăm lo đời sống cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ luôn được các cấp Công đoàn ưu tiên thực hiện. Do đặc thù lao động nữ chiếm số đông nên bên cạnh việc giúp công nhân nâng cao hiểu biết, LĐLĐ tỉnh cũng tăng cường các hoạt động như hỗ trợ, thăm hỏi nữ lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề và khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ. Cùng với đó, tổ chức các hội thi để nữ công nhân tham gia, thể hiện khả năng và sự khéo léo của mình.
Lan Mai
Tác giả: Nguyễn Thị Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập