Hiệu quả xã hội hóa thư viện tại Đồng Nai

Thứ năm - 21/04/2022 22:10
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Xã hội hóa là một xu hướng và nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng.
Trong những năm qua, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động thư viện, để cùng lan tỏa tri thức, chung tay phát triển văn hóa đọc.
b6b250f4-4345-44cb-bc8b-5460c8a26711.jpg
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP.Biên Hòa
nhận tủ sách phụ huynh trao tặng
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Hơn hai năm qua, nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh đã tập hợp thành từng nhóm, mua nhiều đầu sách thiếu nhi của Nhà xuất bản Đồng Nai trao tặng thư viện trường có con em theo học. Tiêu biểu như: Trường THCS Lê Quang Định, P.Tân Hiệp; Trường THCS Lê Văn Tám, P.Quang Vinh; Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP.Biên Hòa… Trong đó, bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai (5 cuốn) được lựa chọn nhiều nhất.
Chị Trương Thu Hường, phụ huynh có con em học tại Trường THCS Lê Quang Định, TP.Biên Hòa cho hay: “Ngoài việc ở nhà khuyến khích con đọc sách ở nhà, nhóm phụ huynh ở Trường THCS Lê Quang Định đã lên kế hoạch trao tặng cho nhà trường tủ sách thiếu nhi. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những bộ sách do NXB Đồng Nai ấn hành vừa phù hợp với lứa tuổi, vừa giúp các con tìm hiểu rõ hơn văn hóa, lịch sử Đồng Nai. Chỉ hơn một tuần, chúng tôi vận động được hơn 1 ngàn cuốn sách để trao tặng cho nhà trường. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều nhóm phụ huynh cùng chung tay, góp sức, xây dựng tủ sách, phát triển văn hóa đọc”.
Không tặng sách cho thư viện, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh chọn cách trao tặng trực tiếp cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, yêu thích đọc sách. Trong đó có nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Công ty TNHH Nai House); ThS Nguyễn Huỳnh Thuật - sáng lập viên dự án Rừng gọi Cát Tiên (Cát Tiên Forest Call)… Đây là hoạt động thường niên được các cá nhân duy trì trong nhiều năm qua. Riêng nhà văn Nguyễn Thái Hải mỗi năm xuất bản từ 2-5 cuốn sách thiếu nhi, ông dành toàn bộ số sách được nhận và số tiền viết sách để mua lại sách của mình, trao tặng cho các em học sinh.
Tại Thư viện tỉnh nhiều năm nay, hoạt động xã hội hóa đã diễn ra với nhiều hình thức và cách làm khác nhau. Trong đó, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận hàng ngàn bản sách, hàng trăm đĩa CD/VCD do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng; hơn 3 ngàn cuốn sách do Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam trao tặng cùng với hàng chục m2 thảm trải sàn phòng đọc phục vụ thiếu nhi…
Mới đây nhất, Thư viện tỉnh đã đón nhận hai tủ sách do PGS.TS Huỳnh Văn Tới (3 ngàn bản sách) và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (680 bản sách) trao tặng. Các tủ sách này phần lớn do PGS.TS Huỳnh Văn Tới biên soạn, sưu tầm, hiện đang được trưng bày và phục vụ bạn đọc tại phòng đọc tổng hợp của Thư viện tỉnh. Không chỉ giới thiệu, quảng bá về văn hóa, lịch sử Đồng Nai, các tủ sách còn có ý nghĩa giáo dục, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
d154da7c-59ce-4b2c-8aab-9f6cb96f2976.jpg
Các em học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp, TP.Biên Hòa đọc sách thiếu nhi
do phụ huynh trao tặng tại thư viện trường
Cần sự chung tay của cộng đồng
Những hoạt động xã hội hóa đọc sách trong và ngoài thư viện đang tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động thư viện nói riêng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kích thích được sự ham thích đọc sách của học sinh. Cũng nhờ các nguồn lực xã hội hóa mà diện mạo của nhiều thư viện trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi trong những năm gần đây, với cơ sở vật chất ngày một được nâng cao, bổ sung thiết bị công nghệ, triển khai nhiều hoạt động liên quan đến đọc sách ngày một đều đặn hơn.
Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành khẳng định, xã hội hóa hoạt động của thư viện sẽ là việc làm thường xuyên, lâu dài được Thư viện tỉnh quan tâm. Thư viện tỉnh mong muốn và kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp chung tay với hệ thống thư viện, tiếp tục ủng hộ sách và cơ sở vật chất, thiết bị… đưa sách đến gần hơn với bạn đọc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu đọc sách, giải trí của bạn đọc trong tỉnh, để văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng lan rộng và đạt hiệu quả.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây