Hành động để hạn chế rác thải nhựa

Thứ sáu - 15/02/2019 09:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Rác thải sinh hoạt từ nhựa thải ra môi trường ngày càng nhiều và đang dần trở thành mối lo về thảm họa môi trường nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có khối lượng rác thải từ nhựa lớn nhất thế giới. Để hạn chế phát sinh rác thải nhựa, những năm qua, Đồng Nai cũng như cả nước đã xây dựng các chương trình hành động nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Hiểm họa toàn cầu

Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm, lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế. Các nhà khoa học cũng nhận định, với khối lượng sử dụng nhựa như hiện tại thì từ nay đến năm 2050 sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất. Hằng năm, con người đổ ra biển khoảng 13 triệu tấn chất thải nhựa, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước ở châu Á.

Trong các loại rác thải nhựa thì túi nylon là vật dụng hết sức gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi nylon đã thành thói quen của từng gia đình vì tính tiện lợi của nó. Bên cạnh đó, giá thành của mỗi chiếc túi nilon khá rẻ khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tác hại của túi nylon gây ra cho con người và môi trường sống. Theo các chuyên gia môi trường, quá trình phân hủy của một chiếc túi nylon có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm tùy điều kiện tác động của môi trường, khi tốc độ sử dụng ngày càng tăng theo thời gian thì thảm họa môi trường sẽ thêm báo động.


Rác thải từ nhựa, túi nylon được phân loại, tái chế tại Khu xử lý rác thải Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Tại Đồng Nai, theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), toàn tỉnh có khoảng 1.600 tấn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày (số liệu tháng 6-2018), trong đó khoảng 60 - 90 tấn chất thải nhựa, nylon. Tỷ lệ chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức trên 60%, còn lại được thu gom, tái chế. Như vậy, tính ra mỗi ngày còn có vài chục tấn rác thải bằng nhựa được thải ra môi trường hoặc xử lý bằng cách chôn lấp.

Ngay cả đối với việc tái chế rác thải bằng nhựa cũng rất khó khăn. Tại khu xử lý rác thải Quang Trung ở huyện Thống Nhất có khoảng 4-6% trong tổng số rác thải là nhựa và nylon. Trong đó, 50% lượng nhựa và nylon có thể tái chế, còn lại không tái chế được. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần môi trường Sonadezi (chủ đầu tư khu xử lý Quang Trung), dù có nhiều nỗ lực để xử lý nhựa và túi nylon không tái chế được nhưng vẫn chưa đạt được mục đích như mong muốn.

Hành động để giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa

Trên bình diện quốc tế, đáng chú ý ngày 24-10-2018, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021. Dự luật nhắm tới các sản phẩm có trong danh mục gốc 10 sản phẩm nhựa dùng một lần do Ủy ban châu Âu (EC) lập ra; trong đó có ống hút, tăm bông hay que gài bóng bay. Dự luật đặt mục tiêu đến năm 2025, các nước EU sẽ thu gom được tới 90% các chai lọ đựng đồ uống và các loại nhựa khác để tái chế.

Ở Việt Nam, để tiết giảm sử dụng túi nylon, ngày 11-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đề án, đến năm 2020 sẽ giảm 65% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nylon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Cùng với cả nước, thời gian qua, Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường việc thu gom, tái chế rác thải sinh hoạt, hạn chế sử dụng và phát sinh rác thải nhựa. Tháng 11-2018, tỉnh đã triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn 2050 trên địa bàn Đồng Nai. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2025, tất cả lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đều được thu gom, tỷ lệ rác thải xử lý theo phương pháp chôn lấp chỉ còn khoảng 15%, giảm mạnh so với hiện nay.

Ngoài việc tăng cường xử lý, tái chế, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn triển khai chương trình sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường phục vụ mục đích sinh hoạt thay cho túi nylon khó phân hủy.

Mới đây nhất, ngày 24-12-2018, UBND tỉnh có Kế hoạch số 14174/KH-UBND về việc phát động chương trình “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nylon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Để triển khai có hiệu quả cuộc vận động nêu trên, sẽ có nhiều giải pháp được thực hiện như: ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện khơi dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước... Song song đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thông qua băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường. Tổ chức các buổi sinh hoạt, học tập, phân loại chất thải rắn tại nguồn kết hợp lồng ghép phổ biến các chuyên đề về giá trị của chất thải nhựa đối với cuộc sống; các biện pháp sử dụng các sản phẩm từ vật liệu nhựa hiệu quả, tránh lãng phí.

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tổ chức triển khai những nội dung được giao của kế hoạch do UBND tỉnh phát động về chương trình “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, lãnh đạo đơn vị cho biết sẽ sớm tiến hành phổ biến đến các công ty kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp nhằm đồng loạt tổ chức các hoạt động tham gia hưởng ứng phong trào. 

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây