(CTT-Đồng Nai) - Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) và lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được tính thuế TTĐB theo lộ trình tăng thuế từ 2026 – 2030, bao gồm các nhóm hàng hóa và dịch vụ: thuốc lá, rượu bia, ô tô, các loại xăng, nước giải khát; dịch vụ vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử có thưởng…

Nhiều mặt hàng tiêu dùng được đề xuất điều chỉnh thuế để hạn chế tiêu dùng trong dân
Nhiều mặt hàng tiêu dùng được đề xuất điều chỉnh thuế để hạn chế tiêu dùng trong dân
Thuế TTĐB chiếm tỷ trọng từ 8-9% trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm của cả nước. Qua 16 năm thực hiện (từ năm 2009) với 4 lần sửa đổi, chính sách thuế TTĐB đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi để thích ứng giai đoạn hiện nay. Theo giải trình của Bộ Tài chính, Dự án dự thảo Luật Thuế TTĐB nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu. Bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, ổn định nguồn thu NSNN.
Tại Hội thảo Lấy ý kiến về dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi vừa được tổ chức tại Cần Thơ, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), thời gian qua, mặc dù Luật Thuế TTĐB đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, tham khảo chính sách thuế TTĐB tại một số nước trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan…xu thế chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB (như nước giải khát có đường). Do đó, việc Việt Nam thay đổi chính sách thuế TTĐB thời điểm này là cần thiết.
Thống kê từ Bộ Tài chính, nếu đề xuất tăng thuế TTĐB nhằm giảm các mặt hàng có hại cho sức khỏe thì sẽ làm giảm khoảng tối đa được 8% mức tiêu thụ thuốc lá và rượu bia và giảm thấp nhất 8% mức tiêu thụ đồ uống có đường, phù hợp với lộ trình thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, thì thuế thuốc lá là giải pháp tối ưu trong phòng chống tác hại thuốc lá.
Tại Đồng Nai, thu ngân sách từ thuế TTĐB được giao dự toán năm 2024 55 tỷ đồng. So với tổng thu NSNN của tỉnh thì con số này không đáng kể. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thu hút hàng triệu người dân từ nhiều địa phương trong cả nước về sinh sống và làm việc. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sức khỏe rất lớn. Do đó, việc đề xuất tăng thuế suất đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, nước ngọt, bánh kẹo sẽ tác động trực tiếp đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ ít, sức khỏe người dân được nâng lên.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường và chính sách thuế TTĐB, việc tăng thuế TTĐB ngoài tác dụng điều tiết tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường còn góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững. Đặc biệt còn cải thiện nguồn thu ngân sách đáng kể…
Theo đề xuất của Bộ Tài Chính, cải cách chính sách thuế TTĐB còn tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế TTĐB hiện hành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật hải quan năm 2014, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019…