Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Dự hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tại điểm cầu Đồng Nai có sự tham gia của Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi và lãnh đạo, đại diện các sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Phan Anh
Tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành đã đóng góp các giải pháp cũng như những kiến nghị với mục tiêu chung xây dựng chiến lược lâu dài cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho hệ thống các công trình phòng chống thiên tai tại các địa phương thường gặp thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ biển…Trong công tác phòng chống thiên tai cũng cần đầu tư hệ thống cảnh báo sớm đối với những địa phương thường xuyên bị sạt lở đất, lũ quét; tăng cường phương tiện, trang bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, có từ 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển đông, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 5-7 cơn. Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, nội dung trao đổi tại hội nghị rất chất lượng, bám sát tình hình, các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo cần được tổng hợp để ban hành kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai làm căn cứ để các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả cao nhất. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, các địa phương cần phải kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai gắn với người đứng đầu. Đặc biệt cần xây dựng kế hoạch vừa phòng chống dịch Covid -19, vừa ứng phó với thiên tai với quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021 gắn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Với các cơ quan trung ương cần hết sức chú trọng công tác dự báo; chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Triệt để thực hiện phương châm 4 tại chỗ, ở đâu thực hiện tốt mới có thể hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Trước đó, năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc sét; hạn hán, xâm mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển... Thiên tai vẫn làm 357 người chết và mất tích; trên 3,4 ngàn căn nhà bị sập với tổng thiệt hại gần 40 ngàn tỷ đồng.
Phan Anh