Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh vừa làm việc với các sở, ngành, đơn vị chủ rừng, địa phương về thực hiện công tác giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định 168/2016/NÐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Nông, lâm nghiệp nhà nước.
Buổi làm việc nhằm đánh giá tổng quát tình hình và kết quả thực hiện công tác giao khoán đất lâm nghiệp trong thời gian qua, từ đó xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể trong thời gian tới, góp phần vào quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Chuyển biến trong giao khoán đất lâm nghiệp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trước khi có Nghị định 168 của Chính phủ, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được giao khoán là 22.697 ha/8.796 hộ, trong đó, diện tích đất đã được lập hợp đồng giao khoán trên 20.759 ha/7.764 hộ. Khi nghị định trên có hiệu lực, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp.
Quang cảnh buổi làm việc về giao khoán đất lâm nghiệp.
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ: Tân Phú (bao gồm cả BQL rừng phòng hộ 600 sau khi sáp nhập), Xuân Lộc, Long Thành đã có quyết định về phê duyệt phương án theo Nghị định 168; Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện phương án rà soát xử lý hợp đồng giao khoán theo Nghị định 01 của Chính phủ và đang xây dựng phương án giao khoán theo Nghị định 168 để trình thẩm định phê duyệt; Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa không thực hiện phương án khoán theo 168 mà tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao khoán đã ký cho đến khi hết thời hạn sẽ chấm dứt và chuyển sang quản lý sử dụng tập trung, trực tiếp…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng cho biết, toàn bộ diện tích đất thuộc đối tượng đất giao khoán đều đã xác lập được thông tin quản lý, xác định trên bản đồ và thực địa, được các đơn vị chủ rừng theo dõi diễn biến, kiểm kê theo quy định. Trong đó, hầu hết diện tích đã được xác lập bởi các loại hợp đồng giao khoán phù hợp với chủ trương chính sách từng thời kỳ. Bên cạnh đó, việc giao khoán đất đã tạo điều kiện cho gần 8.000 hộ dân thuộc đối tượng nhận khoán hầu hết là người địa phương có đất sản xuất, có việc làm và thu nhập ngày càng ổn định, góp phần giảm nghèo, ổn định dân cư và tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế ở các địa phương, giảm tác động của con người vào rừng tự nhiên.
Ngoài ra, việc giao khoán đã tạo ra diện tích lớn về rừng trồng các loại, góp phần tích cực trong việc tạo ra độ che phủ rừng, cung cấp nhiều loại nông, lâm sản cho đời sống xã hội; thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tạo ra nhiều mô hình trồng rừng, sản xuất nông - lâm kết hợp hiệu quả.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kêt quả đạt được, việc giao khoán đất lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 hộ chưa chịu lập hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168 của Chính phủ, với tổng diện tích gần 1.200 ha. Nguyên nhân do người dân lo lắng khi hết thời hạn hợp đồng sẽ bị thu hồi đất. Mặt khác, nhiều hộ hy vọng đất lâm nghiệp sẽ được giao về cho địa phương, lúc đó họ sẽ được cấp sổ đỏ ổn định... Do vậy, một số trường hợp đã không chấp hành và chống đối việc lập hợp đồng giao khoán. Một thực tế xảy ra trong thời gian qua là nhiều hộ dân tự ý chia tách, sang nhượng đất nhận khoán mà không thông qua chủ rừng; có trường hợp tự ý làm nhà ở kiên cố trên đất nhận khoán; một số hộ nhận khoán triệt phá cây lâm nghiệp bằng nhiều cách khác nhau để có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng...
Về vấn đề trên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng chia sẻ, nhiều hộ nhận khoán chưa nhận thức đầy đủ về chính sách giao khoán, quy định về sở hữu, quản lý sử dụng đất giao khoán nên thường ngộ nhận đất nhận khoán là tài sản thuộc quyền sở hữu của gia đình. Nhiều hộ chưa chấp hành nghiêm túc sự hướng dẫn của chủ rừng trong việc lập hồ sơ quản lý, hợp đồng giao khoán, “tẩy chay” việc trồng rừng theo quy định. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác giao khoán, theo dõi, kiểm tra, quản trị hợp đồng giao khoán còn hạn chế, nhiều trường hợp còn lỏng lẻo, sơ sài, hồ sơ thiếu chặt chẽ; còn lúng túng khi vận dụng chính sách trong thỏa thuận xác lập hợp đồng giao khoán, trong đó có vấn đề về quyền hưởng dụng và chia sẻ lợi ích…
Ngoài ra, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp thiếu tính tổng thể và ổn định, thay đổi nhiều lần và mang tính khuôn mẫu chi tiết, gây khó khăn cho các tổ chức giao khoán. Giữa các nghị định thay thế nhau không có điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những vấn đề tồn tại đã được tạo ra trên thực tế. Việc phải thay đổi hợp đồng giao khoán theo các nghị định gây tâm trạng không an tâm đối với người dân. Giữa các văn bản quy phạm có những nội dung mâu thuẫn với nhau nhưng chậm được chỉnh sửa, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ðặng Hồng Tăng cho rằng, để công tác giao khoán đất lâm nghiệp tốt hơn trong thời gian tới, các chủ rừng phải xây dựng phương án khoán theo Nghị định 168, Sở NN-PTNT sẽ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng việc tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hưởng ứng. Các cơ quan chức năng: Kiểm lâm, Công an, Dân quân tự vệ phải thực hiện tốt quy chế phối hợp kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thực hiện Luật Lâm nghiệp, công bố rộng rãi quy hoạch các loại rừng để nhân dân biết và thực hiện; tổ chức đối thoại giải thích để người nhận khoán rõ, tránh khiếu nại kéo dài…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, rừng Ðồng Nai có được như ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm đóng cửa rừng hơn 20 năm qua của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chủ rừng, địa phương cần phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao khoán đất lâm nghiệp, nhằm góp phần vào bảo vệ, phát triển rừng bền vững trong thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sơ, ngành, đơn vị chủ rừng, địa phương phối hợp rà soát lại thật kỹ lưỡng các loại rừng, đối tượng nhận khoán, sau đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể và đề xuất giải pháp lên tỉnh để giải quyết, xử lý vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, hợp lòng dân.
Cần có chính sách “thoáng” cho hộ nhận khoán
Theo Sở NN-PTNT, đối tượng nhận khoán theo quy định lại thường khó khăn về kinh tế, không có đủ điều kiện và năng lực để trồng rừng. Nếu chỉ trồng cây rừng chu kỳ dài trong khi nhà nước không đầu tư hoặc đầu tư mang tính hỗ trợ trong 4 năm đầu (rừng phòng hộ, đặc dụng) thì người dân không thể sống bằng nghề trồng rừng. Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với hộ nhận khoán còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, phát triển rừng. Vì vậy, cũng cần có chính sách “thoáng” để tạo điều kiện cho người dân nhận khoán nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập