Giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp ổn định cuộc sống; để ĐVTN có điều kiện tham hoc công tác Đoàn là một trong những mục tiêu mà tổ chức Đoàn hướng đến.
Vì vậy, thời gian qua các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN.
Chia sẻ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp tại chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên
* Hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, thực hiện đề án tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho ĐVTN là học sinh THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tổ chức Đoàn các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN; tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, kiến thức khởi nghiệp, kiến thức về chương trình Mỗi xã một sản phẩm và hướng dẫn xây dựng các dự án khởi nghiệp cho ĐVTN. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp ĐVTN tiếp cận các phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong năm 2021, tại chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với ĐVTN, ĐVTN trong tỉnh đã được nghe đại diện các sở, ngành của tỉnh chia sẻ về các chính sách hỗ trợ ĐVTN trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, giúp cho ĐVTN hiểu rõ hơn về các chính sách và các điều kiện để tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn còn thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình HTX, tổ hợp tác thanh niên, các CLB thanh niên phát triển kinh tế, CLB thanh niên khởi nghiệp. Các HTX, CLB, tổ hợp tác không chỉ tập hợp các ĐVTN có chung khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp mà còn là nơi để ĐVTN giúp nhau trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ cho ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng NN-PTNT, Quỹ Tín dụng CEP, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, Quỹ Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai…
Với kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp, anh Huỳnh Công Phú, xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) đã mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi Dúi. Anh Phú cho biết, Dúi là loại dễ nuôi, quy trình kỹ thuật không quá phức tạp, đặc biệt là nguồn mía - thức ăn dành cho Dúi tại địa phương khá dồi dào. Vì vậy anh đã tiến hành cải tạo chuồng nuôi gà của gia đình thành chuồng nuôi Dúi. Mặc dù mô hình nuôi Dúi hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng bước đầu đã đem lại cho anh nguồn thu nhập thêm giúp cải thiện cuộc sống gia đình.
* Hướng đến các giải pháp mang tính bền vững
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp nhưng các hoạt động đồng hành với ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp của ĐVTN. Riêng lĩnh vực khởi nghiệp chủ yếu vẫn là phát động để ĐVTN tìm hiểu về khái niệm khởi nghiệp, tư duy khởi nghiệp. ĐVTN vẫn chưa hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp, đi đúng hành trình khởi nghiệp và thực tế cũng chưa có những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu làm điểm sáng cho ĐVTN học tập.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên chia sẻ, thời gian tới đối với lĩnh vực lập nghiệp Tỉnh đoàn sẽ làm việc và hợp tác với các đối tác công nghệ để cung cấp những nền tảng hỗ trợ bán hàng online, kết nối bán hàng đa kênh, cung cấp kiến thức về thương mại điện tử, xu hướng kinh doanh mới trên mạng xã hội… cho ĐVTN. Bên cạnh đó, hợp với các sở, ngành liên quan để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm lập nghiệp của ĐVTN, nhất là các sản phẩm liên quan đến nông sản, đặc sản nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất, kinh doanh của ĐVTN. Đồng thời, Tỉnh đoàn cũng đang có ý định xây dựng cộng đồng thanh niên lập nghiệp theo hướng cùng ngành, cùng lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng mang tính chuyên sâu và đặc biệt là tạo điều kiện để các ĐVTN có cùng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có thể hỗ trợ lẫn nhau từ kinh nghiệm cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Liên quan đến khởi nghiệp, anh Kiên cho rằng, thời gian tới, Tỉnh đoàn cũng như các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ để ĐVTN hiểu đúng, hiểu rõ về khởi nghiệp. Trong đó nhiệm vụ trước mắt là xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở KH-CN, Sở Công Thương, Liên minh HTX… để tranh thủ nguồn lực nhằm xây dựng được nền tảng, cơ chế, cộng đồng hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của ĐVTN.
Các cuộc thi khởi nghiệp cũng sẽ được đổi mới bằng cách tổ chức thành các hành trình khởi nghiệp để ĐVTN trải qua những chặng thử thách, qua đó để lựa chọn được những ý tưởng khởi nghiệp khả thi, những ĐVTN có đủ quyết tâm, kỹ năng khởi nghiệp để đầu tư phát triển thành dự án khởi nghiệp trong thực tiễn nhằm tạo ra mô hình mẫu cho ĐVTN học tập. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng xác định lựa chọn đối tượng học sinh THPT và sinh viên khối cao đẳng, đại học để tập trung triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, Tỉnh đoàn sẽ liên hệ gặp gỡ, làm việc với Ban giám hiệu các trường để trao đổi, phối hợp nhằm góp phần tạo ra sản phẩm khởi nghiệp thành công của thanh niên.
Khánh Ngân