Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng nâng lên rõ rệt. Kết quả đó là nhờ đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân sinh sống trong lâm phận.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức tuyên truyền pháp luật về chuyên đề nghiêm cấm hành vi săn bẫy thú rừng
Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức tuyên truyền pháp luật về chuyên đề nghiêm cấm hành vi săn bẫy thú rừng
Xem trọng công tác tuyên truyền
Khu bảo tồn hiện đang quản lý, bảo vệ đất lâm nghiệp và đất ngập nước nội địa hồ Trị An với tổng diện tích trên 100 ngàn ha và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm (1.552 loài thực vật và 1.781 loài động vật). Vì vậy, nhiệm vụ quản lý bảo vệ tài nguyên rừng của Khu bảo tồn hết sức nặng nề.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước cho hay, thời gian qua, đơn vị đã chịu nhiều áp lực khi phải phụ trách địa bàn rộng lớn, khu vực tiếp giáp với 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hầu như không còn rừng; hàng ngàn hộ dân sinh sống ở trong rừng, đời sống của nhiều người còn khó khăn do không có đất canh tác, không nghề nghiệp ổn định. Một số người ý thức chưa cao và sống lệ thuộc vào tài nguyên rừng… Tuy nhiên, đơn vị cũng đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, mỗi năm, Khu bảo tồn đều chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét khép kín địa bàn, đặc biệt chú trọng vào các dịp lễ, Tết, mùa nông nhàn, mùa có các loại lâm sản. Đơn vị còn tổ chức lực lượng trực gác suốt ngày đêm tại các cửa ngõ quan trọng nhằm kiểm soát phương tiện ra vào rừng và kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.
Năm 2021, lực lượng Khu bảo tồn đã phát hiện và tháo gỡ, phá bỏ tại rừng hơn 4.000 sợi bẫy các loại, 619 m lưới, 34 đú nước và đú khô, 6 chòi tạm. Đơn vị đã yêu cầu gần 1.200 lượt người vào rừng trái phép phải ra khỏi rừng; lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ/9 đối tượng liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp, với số tiền xử phạt 86 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Khu bảo tồn đã phát hiện và tháo gỡ, phá bỏ tại rừng trên 1.600 bẫy các loại; gần 1.300 m bẫy vòng; 22 đú khô và nước; 2 chòi tạm. Phát hiện và yêu cầu 341 lượt người vào rừng trái phép ra khỏi rừng; xử lý 9/10 đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý bảo vệ rừng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 4,2 triệu đồng và đã chuyển hồ sơ đến UBND H.Vĩnh Cửu xử lý 1 vụ việc theo thẩm quyền.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, Khu bảo tồn còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sinh sống trong lâm phận. Đơn vị xác định, mỗi kiểm lâm viên là một tuyên truyền viên. Do vậy, ngoài tham gia các chuyên đề do đơn vị tổ chức, lực lượng kiểm lâm còn dành thời gian đến từng hộ dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời vận động, nhắc nhở bà con chấp hành các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước trong việc không được phép săn bẫy động vật hoang dã cũng như thu hái các loài lâm sản quý hiếm trong rừng.
Ông Trần Ngọc Nông là một trong những hộ sống lâu năm trong rừng (thuộc ấp 2, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cho hay, hồi trước cuộc sống còn khó khăn, nên đa số người dân ở trong vùng đệm của Khu bảo tồn thường có thói quen sống dựa vào rừng, cứ tới mùa lâm sản là bà con rủ nhau vào rừng bẻ măng, hái ươi đem bán để kiếm thu nhập. Từ khi Khu bảo tồn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thì bà con đã hiểu và bỏ thói quen không còn vào rừng nữa. Nhiều người đã tìm chọn công việc khác, như: chăm sóc vườn cây ăn trái hay đi làm công nhân, công việc ổn định, cuộc sống đảm bảo. “Chúng tôi còn góp sức cùng Khu bảo tồn bảo vệ tài sản quý giá của rừng. Chẳng hạn, thấy người lạ có nhiều biểu hiện nghi vấn thì chúng tôi báo ngay cho cán bộ kiểm lâm để theo dõi và xử lý đối tượng”, ông Nông bộc bạch.
Hiệu quả từ Câu lạc bộ xanh
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho hay, thời gian qua, Khu bảo tồn còn duy trì hoạt động hiệu quả 51 Câu lạc bộ (CLB) xanh (11 CLB xanh dành cho người lớn ở tại các ấp và 40 CLB xanh dành cho học sinh tại các trường học) với hơn 1,6 ngàn thành viên. Mục đích xây dựng đội ngũ các CLB xanh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
CLB xanh có các hoạt động chính, như: ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, trụ sở làm việc, trường học, khu dân cư, chợ, bến cá; tổ chức các đợt mít tinh tuyên truyền về tác hại của túi ny-lông và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi ny-lông nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phối hợp cùng cán bộ đơn vị tổ chức nhiều buổi họp tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng mùa khô… Đến nay, mô hình CLB xanh được xem là những chiếc cầu nối quan trọng gắn liền Khu bảo tồn với cộng đồng dân cư. Nhờ đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình CLB xanh, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm giúp công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng tốt hơn”, ông Hảo chia sẻ.