Dù đã có chính sách hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), song kết quả thu được hiện thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa cao. Điều này gây khó khăn cho mục tiêu sắp xếp lại cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là cơ sở có quy mô vừa và nhỏ vào cụm quy hoạch để phát triển quy củ, đồng bộ hơn.
Hạ tầng giao thông Cụm công nghiệp Thạnh Phú-Thiện Tân vẫn chưa hoàn thiện
Hàng chục CCN chờ hạ tầng
Theo Sở Công thương, Đồng Nai đang triển khai đầu tư 27 CCN (trong đó 1 cụm đề xuất loại bỏ) với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha. Đến nay, mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật là: CCN gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), CCN Phú Cường (H.Định Quán), CCN Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Còn lại, các CCN đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thực tế, hiện mới có 4 CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản đồng bộ. Nhiều CCN dù có doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng; nhiều CCN khác dù đã có quy hoạch nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều năm nên vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là thủ tục đầu tư xây dựng CCN rất phức tạp, trong khi các thủ tục, chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển CCN lại chưa phát huy hiệu quả. Một số CCN có một phần diện tích là đất lúa, đất rừng, đất công do nhà nước quản lý, một số khác lại vướng đất cao su. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kết nối đến các CCN còn thiếu, vị trí quy hoạch CCN cũng chưa hấp dẫn, do đó triển vọng để nhanh chóng hoàn thành xây dựng CCN là rất khó.
Chi phí đầu tư lớn
Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, thu hút DN đầu tư vào xây dựng hạ tầng CCN hiện khó khăn do các nhà đầu tư chưa mặn mà, vì diện tích nhỏ, chỉ từ 30-75ha. Một số khu vực quy hoạch CCN đã có một số nhà máy sản xuất hiện hữu, khi hoàn tất hạ tầng, chủ đầu tư chỉ còn lại diện tích đất để cho thuê rất ít, lợi nhuận thấp. Giá đất tăng cao, tiền bồi thường bị đẩy lên khiến chi phí đầu tư cũng tăng. Trong khi đó, phần hỗ trợ 20 tỷ đồng mỗi CCN của nhà nước để làm động lực thu hút cũng rất hạn hữu vì số tiền đầu tư vào mỗi cụm lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhất là trong thời buổi giá đất tăng như hiện nay.
Đơn cử như như CCN Thạnh Phú - Thiện Tân ở H.Vĩnh Cửu có diện tích hơn 96,6ha, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện, được định hướng thu hút đầu tư ưu tiên các ngành công nghiệp nhẹ, ít ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 1 (năm 2019-2020) sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường trục chính D1 của CNN (đầu tư theo hiện trạng) khoảng 43,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường giao thông D2, D3, D4; san nền và thoát nước mưa; hệ thống cấp nước; thoát nước thải và vệ sinh môi trường; hệ thống cấp điện; hệ thống thông tin liên lạc… khoảng 136 tỷ đồng.
CCN này hiện có 42 DN đăng ký diện tích 73,35/76,95ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ 95,32%, hầu như đã lấp đầy toàn bộ diện tích đất công nghiệp. Thời gian qua, huyện đã làm việc với các DN trong cụm để thảo luận, thống nhất đóng góp kinh phí đầu tư hạ tầng và được hầu hết các DN tham dự đồng thuận. Tuy nhiên, do tổng kinh phí đầu tư hạ tầng rất lớn (khoảng 180 tỷ đồng), huyện chưa thể bố trí đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, việc đóng góp kinh phí để đầu tư hạ tầng của các DN trong cụm gặp khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây.
Phan Anh