Từ ngày Bệnh viện Phổi Đồng Nai chuyển công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện thường xuyên thay phiên nhau vào ca trực để điều trị cho các bệnh nhân và theo dõi các ca nghi ngờ, F1. Họ chỉ có một mong ước duy nhất, là dịch bệnh nhanh chóng kết thúc để được trở về nhà, về bên vòng tay yêu thương của những người thân trong gia đình sau nhiều ngày xa cách.
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai được tiêm vaccine phòng Covid-19
Những ngày tháng xa nhà làm nhiệm vụ
Đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai là BS Nguyễn Ngọc Khánh. Tham gia kíp trực cùng anh còn có 5 người khác, bao gồm 1 điều dưỡng, 1 hộ lý, 1 nhân viên phun thuốc khử khuẩn, 1 kỹ thuật viên X-Quang và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm.
BS Khánh cho biết, đúng ngày 30-4, khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, anh được lãnh đạo bệnh viện điều động vào ca trực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là công dân Việt Nam nhập cảnh từ Nhật Bản, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và cách ly ngay tại Trường Đại học An ninh Nhân dân đêm ngày 17-4. Đến ngày 30-4, trường hợp này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được đưa ngay vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai để điều trị. Từ đó đến nay có thêm 7 bệnh nhân khác được chuyển vào bệnh viện để điều trị.
Cũng như các bác sĩ khác trong bệnh viện, BS Khánh đã chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước, sau khi được điều động, anh tức tốc vào bệnh viện. Lúc anh đi, 2 con của anh (đang học lớp 3 và lớp 6) nắm chặt tay ba, mong ba sớm trở về nhà.
Trong suốt hơn 1 tháng qua, BS Khánh cùng ê kíp trực ở tại bệnh viện, không được ra ngoài. Hằng ngày, anh theo dõi dấu hiệu sinh tồn của các bệnh nhân, xem các bệnh nhân có ai bị sốt, ho, khó thở, đau họng hay không. Rất may, đến nay có 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh, xuất viện. Điều mà BS Khánh và kíp trực lo ngại là trong đợt dịch này, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan rất nhanh. Do đó, việc mặc đồ bảo hộ, ra – vào phòng điều trị đến khi đi ra ngoài, về phòng làm việc phải tuân thủ theo đúng quy định, không được để xảy ra sơ suất.
Còn với BS Phạm Thị Thắm, sau 2 đợt điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 của tỉnh (một chuyên gia người Ấn Độ, một người Việt Nam nhập cảnh từ Nhật Bản, hiện cả 2 trường hợp này đã khỏi bệnh và xuất viện), điều chị cảm thấy quan trọng nhất trong cuộc đời là sức khỏe và gia đình. Những ngày xa gia đình để làm nhiệm vụ trong bệnh viện, không ít lần nước mắt của nữ bác sĩ đã rơi vì nhớ con, nhớ chồng, nhớ cha mẹ già. Tuy nhiên, những cảm xúc đó dần được kìm nén, tạo động lực để chị làm việc tốt hơn, với một mong muốn sẽ không có nhiều người phải xa gia đình, để tất cả mọi người cùng sớm trở về cuộc sống bình thường như khi không có dịch bệnh Covid-19.
Hạn chế lây chéo trong khu cách ly
Nhân viên làm việc tại khu cách ly cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, toàn tỉnh hiện có 18 khu cách ly tập trung với công suất gần 3 ngàn giường cách ly. Để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây nhiễm chéo từ khu cách ly ra cộng đồng, Ban điều hành các khu cách ly thường xuyên quán triệt lực lượng y tế, quân đội, công an làm nhiệm vụ trong khu cách ly phải thực hiện nghiêm chỉnh việc bảo hộ khi tiếp xúc với người thuộc diện cách ly. Đồng thời, tuyên truyền để những người cách ly cùng 1 phòng hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với nhau. Công tác lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ đồ ăn, nước uống, đồ dùng vật dụng hằng ngày… đến việc thu gom rác thải để xử lý đều được thực hiện theo đúng quy trình.
Đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung của TP.Long Khánh, điều dưỡng Võ Thị Ngọc Ánh, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ: “Những ngày đầu khi làm nhiệm vụ ở khu cách ly Trường Đại học An ninh Nhân dân cơ sở 2, tôi có chút lo lắng nhưng sau đó, tất cả mọi người cùng vào “guồng” nên đều tập trung làm nhiệm vụ. Điều mà bản thân tôi cũng như các anh em làm việc trong khu cách ly vui mừng nhất là mỗi lần nhận được thông tin toàn bộ người trong khu cách ly âm tính với SARS-CoV-2. Khi đó, mọi gánh nặng như được trút bỏ” – điều dưỡng Ánh chia sẻ.
Gắn bó với khu cách ly cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu (đóng tại xã Thạnh Phú) từ những ngày đầu đi vào hoạt động, dân quân Trương Tấn Sang cho hay, hằng ngày anh cùng với 1 dân quân khác và 1 công an làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ khu vực phía sau khu cách ly và quanh khu cách ly. Mặc dù điều kiện ăn ở có phần thiếu thốn nhưng tất cả mọi người đều cố gắng vì nhiệm vụ chung là đảm bảo an toàn trong khu cách ly.
Phát biểu tại các buổi làm việc tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh thời gian qua, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các lực lượng y tế, công an, quân đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ trong các khu cách ly. Vì sức khỏe, hạnh phúc chung của cộng đồng, họ sẵn sàng gác lại niềm hạnh phúc riêng của bản thân để xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Để đáp lại sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo kêu gọi toàn thể người dân trong tỉnh luôn nâng cao ý thức tự giác, cảnh giác, thực hiện tốt các yêu cầu về phòng dịch Covid-19, đặc biệt là yêu cầu 5K gồm: Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, nơi công cộng – thường xuyên rửa tay, khử khuẩn – giữ khoảng cách khi tiếp xúc – không tụ tập đông người – khai báo y tế trung thực.
Việt Anh