Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (chợ đầu mối Dầu Giây) nằm trên địa bàn huyện Thống Nhất được kỳ vọng sẽ tạo nên một kênh tiêu thụ bền vững cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, số lượng và sản lượng các mặt hàng nông sản có nguồn gốc Đồng Nai tiêu thụ tại chợ còn thấp.
Nguyên nhân vì sao? Những ghi nhận sau đây tại TX. Long Khánh - nơi có nguồn nông sản phong phú nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa vào chợ đầu mối Dầu Giây - phần nào giải đáp câu hỏi nêu trên.
Hợp tác xã, nông dân kêu khó
Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (xã Hàng Gòn) Phạm Phú Quốc, HTX đã xây dựng được vùng chuyên canh cây sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Vào mùa thu hoạch chính vụ, trung bình mỗi ngày các thành viên trong HTX thu từ 500kg đến 2 tấn trái. Việc đưa sầu riêng vào chợ đầu mối, hiện HTX chưa chủ động nguồn hàng vì bị cạnh tranh gay gắt. “Một số doanh nghiệp trước đó đã liên hệ ứng vốn cho xã viên (khoảng 30 - 50% giá trị nông sản) và đôi bên có giao ước phải bán nông sản cho doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng HTX không mua được hàng. Cũng có một số xã viên đồng ý thông qua HTX đưa sản phẩm vào chợ đầu mối. Tuy nhiên, do sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn sạch lại bị đánh đồng với hàng thường, rồi trừ hao hụt và phải đợi 5 - 7 ngày mới được nhận tiền, nên xã viên không chấp nhận”, ông Quốc giải thích nguyên nhân nông sản ít vào chợ đầu mối Dầu Giây.
Ở góc độ khác, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc Phùng Thanh Tâm cho biết: “Mùa chôm chôm năm nay, HTX cử một số xã viên thử nghiệm đưa 35 tấn xuống chợ đầu mối bán. Tiêu thụ thì thuận lợi nhưng kết quả lỗ hơn so với bán tại nhà”. Sở dĩ có chuyện thua lỗ, theo ông Tâm, trước nay bán tại vườn, nông dân không mất công hái, không mất chi phí vận chuyển. Nay phải thuê người hái, mướn xe chở trong khi giá bỏ sỉ cho các vựa cũng chỉ bằng giá bán tại vườn. Đó là chưa kể một số loại nông sản như bơ nếu không biết cách bảo quản dễ bị bầm dập, hư hỏng. Ông Tâm kiến nghị, tiểu thương chợ đầu mối Dầu Giây cần có đội ngũ thu hái, bảo quản và tự chở về như thương lái.
Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng phát biểu tại buổi làm việc ngày 2-10 với lãnh đạo TX. Long Khánh, đại diện các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn về giải pháp đưa nông sản địa phương vào chợ đầu mối Dầu Giây.
Cũng như mặt hàng trái cây, nhiều loại rau, củ ở Long Khánh cũng chưa tiếp cận được thương lái chợ đầu mối Dầu Giây. HTX rau an toàn Bảo Quang là một điển hình. Đích thân Giám đốc HTX, ông Đỗ Văn Luyến, từng vào chợ chào hàng 2 lần nhưng chưa thành công. Lý do theo ông Luyến, Ban quản lý chợ và các tiểu thương chợ đầu mối Dầu Giây cho rằng, HTX nên mang hàng đến bán thử hoặc ký gửi các tiểu thương bán. “Số lượng vài tấn còn có thể, đằng này sản lượng trên 50 tấn/tháng, lại là mặt hàng dễ hư hỏng làm sao có thể tự bán hoặc ký gửi. Tôi mong các sở, ngành tháo gỡ để nông dân Đồng Nai đưa được sản phẩm vào chợ Đồng Nai”, ông Luyến kiến nghị.
Vì chưa tiếp cận được kênh chợ đầu mối Dầu Giây, HTX rau an toàn Bảo Quang đã tìm đến các kênh tiêu thụ khác là hợp đồng với Công ty TNHH thực phẩm NFC (huyện Nhơn Trạch) cung cấp 40 tấn rau/tháng và đưa đi các chợ ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 15 - 20 tấn/tháng. “Thời điểm hiện tại, chúng tôi cung cấp ổn định 20 tấn/tháng, sang năm 2019 có thể tăng thêm 10 - 20 tấn nữa. Chúng tôi chấp thuận vận chuyển tận nơi, chấp nhận thanh toán chậm khoảng 1 tháng nhưng các tiểu thương chợ đầu mối Dầu Giây phải cho biết giá trước. Nếu được ký hợp đồng “bao giá” 1 năm như đơn vị mà chúng tôi đang cung cấp thì càng tốt”, ông Luyến đề nghị.
Theo thống kê, hiện chỉ có 2 nông sản địa phương ở Long Khánh là bưởi và sầu riêng vào được chợ đầu mối Dầu Giây nhưng số lượng rất ít và phải qua một đơn vị trung gian không phải từ các HTX, tổ hợp tác địa phương. Nguyên nhân chính được cho là nông dân và tiểu thương chợ đầu mối chưa thống nhất được phương thức bán hàng, thanh toán. Bên cạnh đó, sản phẩm của địa phương đa phần đạt tiêu chuẩn hàng sạch nhưng vào chợ thì bị đánh đồng với hàng phổ thông.
Tính đến lợi ích lâu dài
Tại buổi làm việc ngày 2-10 với lãnh đạo TX. Long Khánh, đại diện các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn và tiểu thương chợ đầu mối Dâu Giây nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc đưa nông sản vào chợ, Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng cho hay: sau hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay, chợ đầu mối Dầu Giây đã có hơn 110 ô, vựa mở cửa hoạt động, trung bình tiêu thụ 250 tấn/ngày, mùa cao điểm có thể đạt khoảng 400 tấn/ngày. Nhờ các chương trình kết nối, hiện có khoảng 50 - 60% tổng hàng hóa tại chợ có nguồn gốc ở Đồng Nai như bưởi, ổi, sầu riêng, cam, rau củ các loại. Tuy nhiên, nông sản Long Khánh vào chợ lại rất thấp. Đó là vấn đề đáng suy nghĩ.
Giám đốc Sở Công Thương cũng cho rằng, chợ đầu mối là một kênh tiêu thụ hiệu quả, bền vững và tiện lợi vì thế nông dân, HTX, tổ hợp tác nên nhìn về lợi ích lâu dài để từ đó thay đổi thói quen trong thu hoạch, bán hàng và thanh toán. Bởi tới đây, giai đoạn 2 chợ sẽ mở rộng lên gần 50 ha và hình thành các khu: thu mua tập trung, sơ chế và đóng gói, đông lạnh. Khi đó, hàng hóa vào chợ sẽ được phân thành từng loại (loại xuất khẩu, loại đưa vào siêu thị, loại hàng phổ thông) nhằm làm gia tăng giá trị cho nông sản. Hàng xuất từ chợ ra có tem mác rõ ràng nên không sợ bị ép giá, bị đánh đồng với hàng phổ thông, hàng chưa chuẩn sạch. Để tham gia vào chuỗi liên kết này, các HTX, tổ hợp tác cũng phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động. HTX phải thu mua hoặc làm đầu mối đưa nông sản của xã viên vào chợ chứ yêu cầu tiểu thương chợ đầu mối tự thu hoạch, tự vận chuyển như thương lái là rất khó.
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối Dầu Giây cũng cho rằng, tương lai chợ đầu mối sẽ là kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, nếu không đưa sản phẩm địa phương vào chợ sẽ là thiệt thòi cho nông dân. Các HTX, tổ hợp tác ở Long Khánh nếu chưa quen với việc đưa sản phẩm đến chợ phân phối cho tiểu thương có thể đến bán thử, chào hàng. Chợ có chính sách miễn phí mặt bằng, điện, nước từ 3 - 6 tháng cho các HTX, tổ hợp tác trong tỉnh. Một số đơn vị như HTX rau Thống Nhất, Trảng Bom từ chỗ bán thử đã thuê luôn vựa bán lâu dài và họ phát huy được lợi thế tiêu thụ nông sản cho xã viên. “Các địa phương khác còn đưa nông sản đến chợ đầu mối, mình có lợi thế về chất lượng, số lượng, ngay gần chợ thì nên thay đổi thói quen, tận dụng và biến lợi thế thành cơ hội phát triển”, ông Tiến chia sẻ.
B. Mai
Tác giả: Nguyễn Thị Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập