Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về trồng cây xanh nông thôn

Thứ năm - 27/04/2023 14:01
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu trong năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng đạt trên 3,6 ngàn ha; tiếp tục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích 420ha; nuôi dưỡng rừng tự nhiên hơn 2,1 ngàn ha, duy trì diện tích rừng được quản lý bền vững hiện có trên 7,7 ngàn ha.
Đồng Nai đi đầu cả nước trong huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh gắn với xây dựng NTM của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể mục tiêu của tỉnh là trồng 20 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn lực dự kiến là 607 tỷ đồng, trong đó 70% nguồn vốn xã hội hóa.

Tuyến đường rợp bóng cây xanh tại xã Phú Thanh (H.Tân Phú)
Tuyến đường rợp bóng cây xanh tại xã Phú Thanh (H.Tân Phú)

Kết quả, chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh huy động được khoảng 109 tỷ đồng thực hiện; trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 66%. Sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã trồng được gần 6,8 triệu cây xanh các loại, đạt 34% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm.

Vượt kế hoạch đề ra

Tại Hội nghị sơ kết công tác lâm nghiệp năm 2022, ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo, năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 29% đảm bảo chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra là hơn 28%. Công tác sử dụng và phát triển rừng được tập trung triển khai thực hiện, như: tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng với diện tích 443 ha, chăm sóc rừng 3,5 ngàn ha; trồng rừng trên 3,3 ngàn ha. Đặc biệt, trồng cây xanh các loại trên 5 triệu cây, đạt 112,4% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã thu hút cả hệ thống chính trị tham gia.

H.Định Quán là một trong những địa phương đạt kết quả tốt thực hiện trồng cây xanh nông thôn. Năm 2022, các xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng gần 109,4 ngàn cây xanh từ nguồn cây giống do Sở NN-PTNT cấp. Lượng cây xanh này được trồng tại nhiều địa điểm như: khu nhà văn hóa, khu cơ quan, đường giao thông, khuôn viên các trường học…

Theo ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND H.Định Quán, nhờ nguồn cây giống chất lượng tốt và triển khai trồng cây sớm vào đầu mùa mưa là những điều kiện thuận lợi để số cây trồng kia đạt tỷ lệ sống và sinh trưởng phát triển ổn định trên 90%. Giá trị cao còn ở việc các loại cây được trồng là những cây lớn bản địa, cây lâu năm, đa mục tiêu phù hợp với từng địa phương như: Sao, dầu, bằng lăng, xà cừ, tếch, sưa đỏ, dó bầu…

Ngoài số cây trồng được cấp trên, người dân trên địa bàn huyện đã tiến hành trồng mới gần 349,5 ngàn cây các loại gồm cây công nghiệp và cây ăn trái. Kết quả đã đạt được đã góp phần thực hiện thành công “đề án trồng 1 tỷ cây xanh gian đoạn 2021-2025” của cả nước.

Tuyến đường nông thôn xanh mát tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất
Tuyến đường nông thôn xanh mát tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất

Huy động tốt nguồn xã hội hóa

Từ thành quả đạt được trong năm 2022, tỉnh Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu cao trong trồng cây xanh cũng như tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 theo “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu phấn đấu trồng cây xanh đạt hơn 4,6 triệu cây. Trong đó, cây lâm nghiệp khoảng 2,64 triệu cây gồm cây trồng tập trung và cây trồng phân tán. Cây trồng khác khoảng 2 triệu cây gồm cây ăn trái, cây công nghiệp, cây đô thị....trồng trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT tỉnh, năm 2023, tổng số cây giống lâm nghiệp hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị hơn 1,3 triệu cây. Trong đó, khoảng 990 ngàn cây là giống cây keo lai; số còn lại là giống cây gỗ lớn trồng phân tán gần 348,3 ngàn cây, gồm 12 loài cây: sao đen, dầu rái, gõ đỏ, giáng hương, lát hoa, xưa, xà cừ, dó bầu, tếch…Tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng gồm nhiều nguồn như: Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,6 tỷ; nguồn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh 1,5 tỷ; nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai 1,5 tỷ; nguồn của các doanh nghiệp ủng hộ chương trình nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh 550 triệu đồng.

Vốn đầu tư cho chương trình trồng cây xanh nông thôn, các địa phương, đơn vị tự cân đối ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án; trong đó chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa. Cụ thể, trong năm 2023, dự kiến các tổ chức, hộ gia đình tự đầu tư gần 81 tỷ đồng trồng rừng, trồng cây xanh như trồng rừng keo lai, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái…

Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Dốc Mơ (H.Thống Nhất) chia sẻ, tham gia chương trình trồng cây xanh nông thôn năm 2023, HTX đăng ký và dự kiến sẽ được hỗ trợ 1 ngàn cây giống để trồng tại trang trại. Đây là hoạt động rất ý nghĩa vì không chỉ góp phần bảo vệ môi trường chung ở nông thôn mà việc trồng dải cây xanh bao quanh trang trại cũng góp phần tạo hành lang an toàn bảo vệ môi trường cho vùng sản xuất hữu cơ của HTX.

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhận xét, để đạt mục tiêu trồng cây xanh đề ra trong năm 2023 cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân. Nguồn lực có sự thu hút, tham gia tích cực của mọi thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới. Trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ, đảm bảo cây xanh được trồng thuộc các đối tượng phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao và phát triển ổn định.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây