Đó là một trong những điểm nổi bật được quy định tại Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mới được thông qua tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, khóa X vừa qua. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2022.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Theo đó, căn cứ vào các nghị định, hướng dẫn có liên quan của Trung ương, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc biệt là xét thấy thời gian qua, đại dịch Covid-19 và chỉ số giá cả tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội. Do đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cao hơn mức quy định của Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc tốt hơn.
Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ là 400 ngàn đồng/tháng (trong khi đó mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định của Chính phủ hiện hành là 360 ngàn đồng).
Mặt khác, cũng tại Nghị quyết này, ngoài các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND tỉnh cũng đã quyết nghị mở rộng một số đối tượng khó khăn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Có thể kể đến như: trẻ em dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trẻ em dưới 16 tuổi có cha và mẹ nhưng cả cha và mẹ đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng hoặc không xác định được người cha nhưng có mẹ đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Cùng với đó là đối tượng người thuộc hộ nghèo theo quy định của tỉnh không còn thành viên nào có khả năng lao động trên địa bàn tỉnh đã được UBND cấp xã công nhận tại thời điểm làm hồ sơ đề nghị xét trợ cấp, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, không có trợ cấp xã hội hàng tháng… cùng nhiều đối tượng khác.