Đồng Nai là thủ phủ trồng chuối xuất khẩu

Thứ tư - 08/03/2023 14:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Chuối là một trong số ít cây trồng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500 ha trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương của tỉnh cũng đang triển khai nhân rộng những vùng chuyên canh chuối xuất khẩu theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhiều địa phương của tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư kho bãi đóng hàng xuất khẩu càng tăng lợi thế cạnh tranh cho cây trồng này.
Đồng Nai có diện tích trồng chuối xuất khẩu lớn nhất nước. Đây là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây vì cho lợi nhuận cao.

Thu hoạch, đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom
Thu hoạch, đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom

Chuối cũng là loại cây ăn trái thuộc tốp đầu về xuất khẩu của tỉnh khi năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu trên 400 ngàn tấn chuối. Tỉnh đang nhân rộng những vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Tốp đầu về lợi nhuận

Hiện nay, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích toàn quốc và 71% vùng Đông Nam bộ. Cây chuối ở Đồng Nai được thu hoạch quanh năm, tập trung vụ chính từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 350 ngàn tấn, trong đó, tỷ lệ quả tươi tiêu thụ nội địa 15%, đưa vào chế biến 5%, xuất khẩu 80 – 85 %.

Cây chuối cấy mô hiện thuộc tốp các cây trồng cho lợi nhuận cao. Theo nông dân trồng chuối già cấy mô xuất khẩu, vài năm trở lại đây, giá chuối cấy mô xuất khẩu thường bán được mức cao nên nông dân trồng chuối cấy mô thường thu được lợi nhuận tốt. Đây cũng là nguyên nhân diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh trong những năm qua. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT), trong 5 năm qua, diện tích trồng chuối ở tỉnh tăng lên gần gấp đôi, từ hơn 7,3 ngàn ha vào năm 2016 tăng lên hơn 13,1 ngàn ha vào năm 2021.

Diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế như: cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác; là cây hàng năm nên nông dân dễ dàng điều chỉnh mùa vụ thu hoạch; trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác… Tỉnh có nhiều vùng chuyên canh cây chuối có truyền thống trồng lâu năm, nông dân giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Đặc biệt, một số địa phương có diện tích chuối lớn của tỉnh như H.Trảng Bom, Thống Nhất là đất đồi, đất đá nhưng lại rất phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Nông dân trồng chuối cũng mạnh dạn đầu tư về cây giống, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất…Đến nay, 95% diện tích chuối trên địa bàn tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

Vùng chuyên canh cây chuối cấy mô tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom
Vùng chuyên canh cây chuối cấy mô tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom

Cây trồng có lợi thế xuất khẩu

Chuối cũng là loại cây ăn trái thuộc tốp đầu về xuất khẩu của tỉnh khi năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu trên 400 ngàn tấn chuối. Đa số diện tích chuối trên địa bàn tỉnh là cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên nông dân trồng chuối đầu tư bài bản, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để cây trồng đạt năng suất cao, cả về mẫu mã và chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho biết, hiện cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha được cấp mã số; chiếm tỷ lệ 43% diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng có 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.

Theo ông Trần Lâm Sinh Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, có thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như: Phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics; đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua việc thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng cơ giới hóa; chuẩn hóa, nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối; đảm bảo duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và công tác kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến sâu và gia tăng giá trị từ phụ phẩm chuối; tổ chức sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh liên kết gắn với việc nỗ lực hoàn thiện hình ảnh chuối Đồng Nai trên thị trường quốc tế.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây