(CTT-Đồng Nai) - Hòa chung xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc ứng dụng công nghệ để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT), lan tỏa hình ảnh quê hương, tạo tiền đề phát triển du lịch đã và đang được văn nghệ sĩ quan tâm, đầu tư.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ các tầng lớp nhân dân trực tiếp và trực tuyến thông qua mạng xã hội
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ các tầng lớp nhân dân trực tiếp và trực tuyến thông qua mạng xã hội
Không chỉ quảng bá thông qua các hội thi, hội diễn, văn nghệ sĩ còn tích cực sử dụng mạng xã hội, các website để đưa tác phẩm đến công chúng. Nhiều nghệ sĩ của Đồng Nai tác phẩm VHNT vượt qua biên giới quốc gia như: nghệ sĩ đàn bầu Trần Trung, nghệ sĩ dương cầm Vũ Đặng Quốc Việt; nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định, Lê Hữu Thiết, NSƯT Quế Anh…
Ngoài việc chủ động tổ chức giới thiệu sách mang tính cá nhân đến bạn đọc, tác giả Đinh Hoàng Loan (Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai) còn tích cực sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm. Là tác giả trẻ, bị chứng chất độc màu da cam, ngồi trên xe lăn với hai bàn tay “co quắp”, giọng nói không “tròn vành rõ chữ” song công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chị. Chị sáng tác khá nhiều, đã xuất bản các tập thơ như: Xe lăn khát vọng; Cảm ơn cuộc đời; Trái tim hồng... Chị sử dụng máy tính để đánh chữ và dùng Facebook, Zalo để giao lưu, giới thiệu tác phẩm của mình đến với nhiều độc giả trong cả nước.
Trưởng Ban Mỹ thuật, Hội VHNT Đồng Nai Phạm Công Hoàng cho biết, quảng bá tác phẩm trên không gian số là là cách tốt nhất để giao tiếp giữa tác giả và công chúng. Trên lĩnh vực mỹ thuật, công chúng trong và ngoài nước thông qua các phòng tranh trên không gian mạng tiếp cận với xu hướng hội họa đương đại trên thế giới, lan tỏa hội họa Việt Nam với bạn bè khắp năm châu. Tuy nhiên, nhược điểm của việc đưa tác phẩm lên nền tảng số là khó có thể kiểm soát bản quyền nếu chưa đăng ký. Điều này dẫn đến việc sao chép, đạo nhái xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, những năm qua Đồng Nai đã làm tốt công tác quảng bá, đưa tác phẩm VHNT tiếp cận công chúng nhiều hơn. Trong đó, Hội đã phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai giới thiệu tác giả, tác phẩm; tổ chức các triển lãm tranh, ảnh trong tỉnh và đăng cai khu vực; liên kết với thư viện tỉnh đưa sách, tạp chí đến các phòng đọc ở cơ sở, tăng cường hoạt động giới thiệu sách đến với bạn đọc. Đặc biệt, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã dùng mạng xã hội để quảng bá các vở diễn, chương trình nghệ thuật, múa rối… thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài tỉnh.

Các tác giả giao lưu, ký tặng sách cho học sinh trên địa bàn H.Tân Phú
Các tác giả giao lưu, ký tặng sách cho học sinh trên địa bàn H.Tân Phú
“Thời kỳ hội nhập, với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ số, các hình thức quảng bá tác phẩm VHNT mang tính truyền thống trong nước bị thu hẹp là tất yếu, nhưng chưa phải bị mất đi hay bị thay thế, nếu tác phẩm nghệ thuật nơi đó không bị rơi vào sự nhàm chán và không có dấu ấn sáng tạo độc đáo. Với đam mê sáng tạo mãnh liệt, chắc chắn văn nghệ sĩ Đồng Nai sẽ có cách quảng bá và lan tỏa tác phẩm phù hợp để đưa VHNT tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội thời kỳ hội nhập toàn cầu” - nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa cho biết.