(CTTĐT-Đồng Nai) - Đây là một trong những chương trình lớn của Đoàn, vì vậy, thời gian qua bên cạnh các hoạt động tuyên truyền lan tỏa phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp...

Đoàn viên thanh niên có sản phẩm khởi nghiệp được Tỉnh đoàn tạo điều kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm
Đoàn viên thanh niên có sản phẩm khởi nghiệp được Tỉnh đoàn tạo điều kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm
Trong đó, Tỉnh đoàn đã chú trọng đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về mặt thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Cụ thể, hàng năm, Tỉnh đoàn đều mời chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp tập huấn về khởi nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tổ chức các diễn đàn về khởi nghiệp, bàn giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm…
Trong chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức mới đây, Tỉnh đoàn đã mời báo cáo viên chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp; những thông tin liên quan đến sàn thương mại điện tử và kinh tế số… Thông qua buổi nói chuyện giúp cho đoàn viên thanh niên biết được một số sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam hiện nay; vai trò của thương mại điện tử; cơ chế hoạt động của sàn thương mại điện tử… Qua đó, giúp đoàn viên thanh niên hình thành ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và biết cách để thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tỉnh đoàn tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên
Tỉnh đoàn tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên
Song song đó, vận động đoàn viên thanh niên có chung ngành nghề thành lập các mô hình kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như CLB Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi xã Phú Lộc (H.Tân Phú). Được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên có mô hình phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: mô hình trồng sầu riêng, bưởi, mít,... Từ khi thành lập các thành viên trong CLB thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái; tổ chức cho các thành viên tham quan các mô hình trồng trọt hiệu quả…
Vận động nguồn lực, kết nối với các đơn vị để hỗ trợ vốn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Ngoài ra, để động viên, khuyến khích thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, hàng năm, Tỉnh đoàn đều xét chọn tuyên dương các cá nhân thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nhân tiêu biểu, doanh nghiệp trẻ… Đồng thời, đề cử tham gia các giải thưởng cấp trung ương.
Thông qua các hoạt động đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên nông thôn đã nhận thấy được vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp sẽ giúp bản thân ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, có thêm điều kiện để đóng góp cho xã hội. Với suy nghĩ ấy, nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp.
Từ năm 2013, anh Đặng Thanh Nam, ở ấp 5, xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) đã mạnh dạn chuyển đổi 900m2 đất của gia đình sang trồng lagim (các loại quả: dưa leo, mướp, khổ qua, cà tím…) giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Anh Nam cho biết, nếu như trước đây trồng bắp, mỗi năm thu hoạch được khoảng 30 triệu đồng thì nay trông lagim, thu nhập đã tăng lên 170 triệu đồng/năm. Ngoài trồng lagim, tranh thủ thời gian rảnh và nguồn cây cỏ trong vườn, anh đã nuôi thêm dê thịt để gia tăng thêm thu nhập. Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, anh còn vận động đoàn viên thanh niên khác trong ấp vần đổi công nhằm giảm chi phí thuê nhân công mỗi khi thu hoạch nông sản.