Thời gian qua, phong trào “Ðồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa rộng khắp, qua đó xuất hiện mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao do thanh niên làm chủ. Trong đó, nhiều thanh niên nông thôn đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Thanh niên bám đất làm giàu
Hành trình lập thân lập nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với thanh niên. Ðiều này lại càng khó hơn với thanh niên nông thôn bởi ngoài nông nghiệp, thanh niên nông thôn khó tiếp cận được mô hình khởi nghiệp nào khả thi hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhờ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và có những hướng đi phù hợp, nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thành công với các mô hình kinh tế tại địa phương.
Đinh lăng là cây trồng chủ lực của Hợp tác xã TMDV sản xuất nông nghiệp Thuận Thiên.
Cách đây hơn 4 năm, khi mới 22 tuổi, Ðinh Nguyễn Quốc Bảo (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) bày tỏ ý định khởi nghiệp và được gia đình hỗ trợ một khoản vốn để lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau đó anh đã thay đổi ý định. Thay vì lấy tiền, anh đã xin gia đình gần 2 ha sầu riêng và bưởi hiện có trong vườn để lập nghiệp ngay tại quê nhà. Với những kiến thức về chăm sóc cây trồng tự tìm tòi, tiếp thu từ các lớp tập huấn khuyến nông và kinh nghiệm thực tiễn trồng trọt của gia đình, vườn sầu riêng của anh đã cho năng suất cao. Trong hai năm qua, bình quân mỗi năm, mô hình của anh cho thu nhập gần 400 triệu đồng. “Trước đây, tôi cũng có thời gian sinh sống và làm việc ở thành phố và cũng từng có ý định lập nghiệp ở đó. Nhưng sau khi nghiên cứu, thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp ở quê nhà rất lớn, được ba mẹ ủng hộ nên tôi quyết định bỏ phố về quê”, anh Bảo kể.
Ngoài các mô hình nông nghiệp đơn lẻ, hiện nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư vốn lớn để sản xuất quy mô lớn theo mô hình kinh tế tập thể, nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cuối năm 2017, Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuận Thiên được thành lập với tổng vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng. Ðứng đầu hợp tác xã là anh Nguyễn Văn Hiếu, một thanh niên 9X. Hiện nay, Hợp tác xã Thuận Thiên tập trung vào trồng và bán cây đinh lăng, cho thu nhập gần 300 triệu đồng/ha/năm. Ðồng thời, hợp tác xã cũng đã liên kết với một công ty chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu từ cây đinh lăng tại Tây Ninh để ký hợp đồng phân phối giống, kết hợp bao tiêu cho nông dân trồng đinh lăng trong tỉnh. Mô hình này đang được địa phương đánh giá cao về tiềm năng phát triển.
Sự đồng hành của tổ chức Đoàn
Ðể phong trào lập thân, lập nghiệp trong thanh niên phát huy hiệu quả, sự chung tay, đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là tổ chức Ðoàn thanh niên thực sự cần thiết. Ðồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là chương trình lớn của Trung ương Ðoàn trong nhiệm kỳ 5 năm tới, với mục tiêu hỗ trợ vay vốn 10.000 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế, hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Từ sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực này, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công.
Riêng tại Ðồng Nai, thời gian qua, việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào Ðoàn. Ngoài việc nhân rộng các mô hình câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi để đoàn viên, thanh niên ở nông thôn cùng trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, Tỉnh đoàn cũng đang duy trì nguồn quỹ “Ðồng hành cùng thanh niên” để giúp thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế. Các dự án hỗ trợ vốn khởi nghiệp của thanh niên nông thôn đều được vay với mức từ 20 - 25 triệu đồng, lãi suất bằng 0 và thời hạn vay trong vòng 24 - 36 tháng. Nhờ những hỗ trợ thiết thực, số thanh niên khởi nghiệp thành công ngày càng tăng. Ðể tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh với các vấn đề liên quan đến thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, Tỉnh đoàn tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã giai đoạn 2018 - 2022. Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập 6 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác, 172 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế của tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn. Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế trên địa bàn tỉnh đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Ðến cuối năm 2018, các cấp bộ Ðoàn duy trì 187 tổ tiết kiệm và vay vốn, hỗ trợ với dư nợ trên 180 tỷ đồng. Cùng với đó, Quỹ đồng hành với thanh niên Ðồng Nai đã hỗ trợ 12 dự án với số tiền 255 triệu đồng trong năm 2018. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ giải ngân cho thanh niên vay với số tiền 300 triệu đồng. Tại nhiều địa phương tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ vốn xoay vòng, vần đổi công đạt hiệu quả cao. Thông qua các mô hình cũng giúp công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên của các cơ sở Ðoàn khối địa bàn dân cư thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có những mô hình kinh tế thực sự quy mô do thanh niên làm chủ. Ða phần các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp do thanh niên nông thôn làm chủ vẫn nhỏ lẻ, bấp bênh, thiếu tính liên kết và ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại. Với những khó khăn mà các mô hình kinh tế nông nghiệp phải đối mặt, trong đó có thực trạng “được mùa mất giá”, trong năm 2018, Tỉnh đoàn đã tích cực “giải cứu” nông sản cho Tổ hợp tác Thanh niên trồng cây có múi và bà con nông dân xã Phú Lý, thanh long ruột đỏ cho nông dân xã Sông Trầu…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền, phong trào lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên chưa bao giờ có sự đổi mới, sôi nổi và được thanh niên hưởng ứng như bây giờ. Các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp đang bám sát nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay thanh niên vẫn gặp khó khăn trong lập thân lập nghiệp do thiếu kiến thức về khởi nghiệp, quản trị, phát triển mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp từ các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội đối với thanh niên vẫn còn những rào cản nhất định. “Chúng ta đang thiếu một nguồn quỹ để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, nhất là nguồn quỹ mang tính rủi ro nhiều hơn. Theo đó, nguồn vốn phải mang tính bền vững mới tạo đà để thanh niên khởi nghiệp thành công. Hiện Tỉnh đoàn cũng đang nỗ lực vận động các nguồn lực để thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, bà Hiền nói.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập