Đồng hành cùng mọi người

Thứ hai - 29/11/2021 21:59
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Hội CTĐ Việt Nam) có hơn 14 ngàn tổ chức Hội cấp cơ sở và trên 7 triệu hội viên. Hội CTĐ Việt Nam đã trải qua 10 nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc và tổ chức Hội được thành lập, thực hiện nhiệm vụ tại 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã).

img-4-29-11-2021-nam.jpg?t=1752814360
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà tri ân lực lượng tuyến đầu đang thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6

Hiện Hội CTĐ Việt Nam có qua từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau, tất cả cán bộ, hội viên, tình nguyện viên luôn thực hiện theo sứ mệnh: “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”.

Nơi kết nối tình yêu thương

Ngày 31-7-1976, tại TP.Hà Nội, Hội CTĐ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Hội CTĐ Việt Nam. Trong giai đoạn này, Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước gắn với nhiệm vụ: phát triển tổ chức Hội, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống, chăm sóc các gia đình thương binh, vận động quyên góp gạo giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, triển khai phong trào hiến máu nhân đạo, tìm kiếm tin tức thân nhân mất liên lạc do chiến tranh…

Trước đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội CTĐ Việt Nam ngày nay). Đến ngày 23-11-1946, Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại đình làng Thanh Ấm, TT.Vân Đình, H.Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội). Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội; BS Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.

Trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lược, Hội Hồng thập tự Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những công tác cụ thể như: chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết; vệ sinh môi trường; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; trợ giúp nhân đạo; tiếp nhận hồi hương kiều bào; vận động, giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn; tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh…

Năm 1957, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 1961, Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. Đến năm 1965, Hội Hồng thập tự Việt Nam đổi tên thành Hội CTĐ Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, qua 75 năm hình thành và phát triển, ở từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau, tất cả cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội CTĐ Việt Nam luôn thực hiện theo sứ mệnh: “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”.

Hội CTĐ Đồng Nai góp sức thực hiện an sinh xã hội

Ra đời sau Hội CTĐ Việt Nam đến 30 năm, song từ khi thành lập vào năm 1976 đến nay, Hội CTĐ tỉnh luôn chủ động xây dựng tổ chức Hội, thực hiện nhiệm vụ nhân đạo gắn với chỉ đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, tình hình thực tế tại địa phương cũng như tham gia trợ giúp, cứu trợ đồng bào khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước.

Hiện toàn tỉnh có 255 Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn, cơ quan, bệnh viện, nông trường, trường học với gần 80 ngàn hội viên.

Thông qua thực hiện công tác trợ giúp nhân đạo, các nhiệm vụ an sinh xã hội khác, Hội CTĐ trong tỉnh đang thực hiện hơn 50 mô hình hoạt động nhân đạo giúp dân, như: xây - sửa nhà CTĐ, xây dựng cầu dân sinh, sửa chữa phòng học, hoạt động dịch vụ CTĐ có thu…

Cùng với đó, mỗi năm tỉnh tiếp nhận từ 32 ngàn đơn vị máu trở lên. Hiện Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có số lượng đơn vị máu hiến tình nguyện cao của cả nước và là một trong 6 tỉnh, thành khu vực phía Nam được triển khai tiếp nhận 350ml máu/người/lần hiến thay vì chỉ 250ml/người hiến máu/lần hiến.

Ngoài ra, từ cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo do Hội CTĐ Việt Nam phát động, đến nay các cấp Hội CTĐ của tỉnh đã vận động giúp đỡ thường xuyên hằng tháng cho hơn 3,2 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Riêng với dự án Ngân hàng bò, đã có khoảng 500 con bò trao tặng cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để chăn nuôi, tạo sinh kế…

Đặc biệt, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Hội CTĐ Việt Nam ra lời kêu gọi các cấp Hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ tham gia ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hội CTĐ tỉnh cùng có văn bản kêu gọi các cấp Hội CTĐ trong tỉnh vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ và các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ tiền, hàng, vật chất nhằm hỗ trợ các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19, người dân và công nhân lao động nghèo ở các khu cách ly y tế, khu vực phong tỏa, người về nước không có việc làm, ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng bệnh Covid-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, hàng chục tình nguyện viên đã cùng với những người làm công tác CTĐ vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại cũng như nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng để cứu trợ người khó khăn. Ngoài ra, đã có khoảng 13 tỷ đồng được các cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng góp vào quỹ hỗ trợ các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19, người dân và công nhân lao động nghèo ở các khu cách ly, khu vực phong tỏa, người về nước không có việc làm, ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng bệnh Covid-19. Hội CTĐ trong tỉnh đã mua khoảng 120 tấn lương thực, thực phẩm trao trên 40 ngàn phần quà cho người dân khó khăn do dịch bệnh...

Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây