Sáng 13-8, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Nai và LÐLÐ tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Các đại biểu Quốc hội: bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Nai; bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Ðồng Nai đồng chủ trì hội nghị.
Lắng nghe để hoàn thiện Luật
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được dư luận, đặc biệt là người lao động (NLÐ), doanh nghiệp quan tâm và đóng góp ý kiến. Trong đó có nhiều ý kiến trái chiều. Tiếp thu những ý kiến đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi NLÐ ở nhiều thành phần kinh tế khác nhau tại 14 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, trong đó có Ðồng Nai. Vì vậy, hội nghị mong muốn thu nhận các ý kiến khách quan, công tâm của các đại biểu đại diện cho NLÐ để Bộ luật Lao động sửa đổi khi hoàn thiện sẽ đi vào cuộc sống, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của số đông.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Các nội dung trọng tâm để lấy ý kiến đó là: phạm vi điều chỉnh về thang lương, bảng lương, quy định về làm thêm giờ, về tăng tuổi nghỉ hưu; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLÐ; về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích; quy trình thành lập tổ chức đại diện NLÐ tại cơ sở…
Ðại biểu Quốc hội, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, ngay sau khi Tổng LÐLÐ Việt Nam triển khai Kế hoạch số 55/KH-TLÐ ngày 1-8-2018 về việc thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, LÐLÐ tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong công nhân viên chức lao động và cán bộ Công đoàn toàn tỉnh. Ngoài ra, trong các hội nghị liên quan, các cấp Công đoàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của công đoàn viên. Cũng theo Chủ tịch LÐLÐ tỉnh, việc tổ chức hội nghị lần này nhằm thu nhận ý kiến đóng góp của các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động, từ đó có ý kiến tham gia đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Tổng LÐLÐ Việt Nam sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật đảm bảo quyền, lợi ích của công nhân viên chức lao động và những nguyên tắc, yêu cầu đề ra.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung. Trong đó, đa số các ý kiến không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm, nghĩa là vẫn giữ nguyên thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm do đặc thù công việc lao động ở Ðồng Nai chủ yếu trong ngành may mặc, giày da, ngành gỗ, công nhân khai thác mủ cao su. Ðặc thù của các ngành này làm việc khá vất vả, trong môi trường có yếu tố nặng nhọc độc hại, nếu làm thêm nhiều sẽ không còn thời gian chăm lo gia đình và tái tạo sức lao động.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Trình bày quan điểm này, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch CÐCS Công ty TNHH Quadrille Việt Nam chia sẻ, đặc thù của công nhân may phải ngồi nhiều, đến 55 tuổi mà vẫn ngồi may được 8 - 10 giờ mỗi ngày đã là nỗ lực rất lớn, nếu tăng thêm giờ làm không biết có bao nhiêu lao động đáp ứng được sức khỏe, năng suất. Cũng theo chị Hoa, quy định NLÐ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời kỳ kinh nguyệt là rất nhân văn, tuy nhiên hiện nay do làm theo dây chuyền, nhiều lao động ngại không muốn nghỉ, doanh nghiệp lại không cho NLÐ hưởng tiền thời gian làm đó. Vì vậy, Luật Lao động sửa đổi nên mở rộng quy định theo hướng được nghỉ 30 phút hoặc hoán đổi bằng tiền công để NLÐ lấy tiền đó bồi dưỡng thêm.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến đồng tình với chủ trương tăng thời gian làm thêm. Anh Ðinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CÐCS Công ty cổ phần Taekwang vina Industrial cho rằng, tăng thời gian làm thêm phải có sự đồng ý của NLÐ, đồng thời phải xem xét rút bớt thời gian làm việc bắt buộc từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 hoặc 44 giờ/tuần. Như vậy, thời gian làm thêm có thể tăng nhưng tổng thời gian làm việc trong năm của NLÐ không tăng, trong khi thu nhập của NLÐ lại tăng thêm so với hiện tại.
Về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, các ý kiến cũng cho rằng không phù hợp với thể trạng sức khỏe của người Việt Nam. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì chỉ nên áp dụng cho những nhóm lao động đặc thù như trí thức, nghiên cứu khoa học hoặc NLÐ còn sức khỏe, còn nhu cầu làm việc thì công ty có thể ký hợp đồng làm thêm và phải đóng bảo hiểm cho NLÐ. “Thay vì kéo dài thời gian làm việc của NLÐ, nên có chế tài phát huy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đối với việc tăng thu nhập cho NLÐ như: nâng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động, tăng chế độ đãi ngộ”, anh Trần Ngọc Quang, Phó chủ tịch CÐCS Công ty TNHH Pouchen Việt Nam chia sẻ.
Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến liên quan khác. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá cao các ý kiến đóng góp sát thực, có tinh thần xây dựng của các đại biểu tại hội nghị. Ðồng thời đề nghị Ban tổ chức hội nghị tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, chắt lọc những kiến nghị xác đáng nhất, có tính đại diện và gần gũi nhất với quyền lợi của NLÐ, hoạt động của tổ chức Công đoàn để tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan Trung ương tại các kỳ họp Quốc hội tới.
H. Lộc