Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đồng Nai hiện có 11 tôn giáo với 43 tổ chức đang hoạt động. Tổng số tín đồ các tông giáo là hơn 2,1 triệu người, chiếm gần 70% dân số toàn tỉnh.Trong đó, đông nhất là Công giáo với hơn 1,1 triệu tín đồ; Phật giáo có 950 ngàn tín đồ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vũ Đình Trung nhận định, những năm qua, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Đại diện Giáo phận Xuân Lộc và Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi trao ủng hộ công tác phòng chống Covid-19 cho tỉnh
Tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước
Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh cho hay, trong phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo luôn tích cực cùng với các tôn giáo khác năng động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tích cực xây dựng các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, đầu tư xây dựng các trang trại phù hợp quy hoạch phát triển vùng… nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Cùng với đó nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng diện mạo mới cho quê hương, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn với nhiều việc làm thiết thực như: tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi…với tổng số tiền đóng góp trong giai đoạn 2016-2020 lên tới hơn 134 tỷ đồng.
Không dừng ở đó, các tôn giáo còn tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, đồng bào tôn giáo luôn đoàn kết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều này được thể rõ qua việc xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa như: cơ sở thờ tự tiên tiến; cơ sở tự viện văn minh; cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp...Qua đó, góp phần quan trọng làm cho diện mạo nông thôn, đô thị, các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, một trong những đóp góp nổi bật khác của đồng bào các tôn giáo chính là việc tích cực đóng góp cho công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.
Hiện nay, tín đồ các tôn giáo đã thành lập được 142 cơ sở giáo dục góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập mầm non và chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Bên cạnh đó, ủng hộ kinh phí xây dựng và sửa chữa trường, lớp, trang thiết bị học tập; tham gia hỗ trợ chi phí học tập, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thành lập các mô hình khuyến học, khuyến tài. Với 41 cơ sở y tế thuộc quản lý của các tôn giáo, giai đoạn 2016-2020, đồng bào tôn giáo đã tham gia đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tới 77,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động bảo trợ xã hội được đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa như: chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật… Hiện trên địa bàn tỉnh, các tôn giáo đã thành lập được 39 cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục hơn 2 ngàn đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi phí đóng góp cho công tác này của đồng bào tín đồ các tôn giáo lên đến 135 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đào Văn Phước trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước
trong đồng bào Công giáo tỉnh giai đoạn 2015-2020
Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi
Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ cho biết, những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo theo tinh thần của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo được tổ chức thường xuyên, liên tục, sâu rộng. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo được quan tâm, đẩy mạnh. Từ đó, đã góp phần làm cho đồng bào các tôn giáo nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, ý thức hơn trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, MTTQ, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm và thường xuyên tổ chức những đợt viếng thăm, chúc mừng nhân dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Công tác tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo tổ chức định kỳ… Từ đó, nhu cầu chính đáng trong hoạt động tôn giáo, các khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt tôn giáo được tháo gỡ. Mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với các tôn giáo được củng cố tốt đẹp, không để phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh tôn giáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cũng chính từ đó, đồng bào các tôn giáo yên tâm, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành, quản lý của Nhà nước.
Nhờ đó, hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, đa dạng và ổn định. Trong đó, các hoạt động tôn giáo không chỉ dừng lại ở phạm vi các cơ sở thờ tự mà đã vươn ra tầm quốc tế. Bằng chứng là các tổ chức tôn giáo ở Đồng Nai, điển hình là Phật giáo và Công giáo, đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị cấp quốc gia, quốc tế, được các chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước đánh giá cao.
Trang Thư