(CTTĐT-Đồng Nai) - Tác động của suy thoái kinh tế, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… Đó là một trong nhiều nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh vào thế bí.

Các DN, doanh nhân của Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Maxim Á Châu
Các DN, doanh nhân của Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Maxim Á Châu
Khó chồng khó, ngoài sự bươn chải, tìm cách để bán hàng thì các DN rất mong đợi những chính sách hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước trong đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho bất động sản sớm phát huy hiệu quả.
Sản xuất cầm chừng
Khi bất động sản nói chung đang trong tình trạng đóng băng và các công trình xây dựng chững lại như thời gian vừa qua, không chỉ các DN trong lĩnh vực xây dựng, địa ốc gặp khó mà còn kéo theo sự suy giảm của các ngành nghề phụ trợ.
Công ty TNHH Lộc Gấm Phát (TP. Biên Hòa) có năng lực cung ứng hơn 5 ngàn viên gạch lát sân vườn mỗi ngày. Sản phẩm của công ty chuyên cung cấp cho các công trình hạ tầng công cộng và công trình xây dựng cơ bản như trường học, bệnh viện, khu dân cư... So với mọi năm, tình hình sản xuất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo chị Đỗ Thị Hồng Nhung, Giám đốc công ty thì tất cả mọi chỉ số kinh doanh cũng đều giảm. Đơn hàng từ bán lẻ đến bán dự án giảm rõ rệt khiến cho sản lượng và doanh số kinh doanh không được như ý. Điều này kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trong việc duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động của DN.
Tương tự, công ty TNHH Việt Tín Thành (TP. Biên Hòa) chuyên cung cấp nguyên vật liệu ngành keo dán, Foam PU cách nhiệt mái tôn, sơn và vật liệu chống ăn mòn, nguyên vật liệu composite dành cho các công trình xây dựng. Ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc công ty chia sẻ đơn hàng từ các đối tác hiện đã giảm mỗi tháng từ 40 đến 50% so với trước. “Cũng như các ngành nghề khác, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của công ty. Mặc dù triển vọng về lâu dài là rất tốt vì nhu cầu từ xây dựng sẽ cao nhưng trước mắt, với tình hình thị trường hiện tại, các DN rất chật vật và buộc phải tìm cách sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Đối với công ty CP Maxim Á Châu (H. Trảng Bom), ông Hoàng Sáng Tạo, Giám đốc công ty cũng chia sẻ DN của ông chuyên sản xuất và cung ứng các loại sơn nước, bột trét cho các công trình xây dựng. Trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu bán sỉ qua đại lý và ký hợp đồng với các chủ thầu công trình xây dựng, nhà đầu tư dự án bất động sản lớn. Năm nay tình hình khó khăn hơn nên DN ngoài việc đầu tư nâng chất lượng sản phẩm thì cũng cố gắng để mở rộng thêm các đại lý nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng.
Chờ sự “tươi sáng” hơn từ bất động sản và xây dựng
Bên cạnh vấn đề đầu ra cho sản phẩm suy giảm, việc giá nguyên liệu, nhiên liệu rồi giá điện tăng cao trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có tâm lý dè dặt hơn trong sản xuất, kinh doanh. Một số DN sản xuất cầm chừng, chưa dám đầu tư mở rộng trong thời điểm này.
Đặc biệt, điện là yếu tố đầu vào cơ bản của các ngành sản xuất, khi tăng sẽ kéo theo giá thành các sản phẩm điều chỉnh nhằm bù đắp ảnh hưởng chi phí đầu vào. Nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, đây sẽ là đòn giáng trực tiếp vào DN sản xuất vật liệu và cả các chủ dự án xây dựng, các nhà thầu.
Đồng thời, các dự báo về triển vọng thị trường bất động sản có thể khởi sắc trở lại là có nhưng vẫn bấp bênh, chưa đoán định trước được điều gì. Vấn đề này đòi hỏi DN phải tỉnh táo trong việc lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các DN không chỉ trực tiếp trong ngành xây dựng mà DN cung cấp nguyên, vật liệu, sản phẩm phụ trợ đang trông chờ vào các chính sách đòn bẩy của Nhà nước. Đó là các chính sách rộng từ nỗ lực tháo gỡ khó khăn về vốn, và lãi suất ngân hàng đến thúc đẩy đầu tư công...được kỳ vọng sẽ từng bước hỗ trợ các DN, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.