Trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sản xuất, kinh doanh giảm sút, thương hiệu của các doanh nghiệp (DN) nhất là những DN nhỏ và vừa, mới gia nhập thị trường rất dễ bị lãng quên. Điều đó đòi hỏi các DN phải tìm mọi cách để giữ được thương hiệu, danh tiếng của mình. Gắn hoạt động cung ứng sản phẩm với công tác chống dịch, đẩy mạnh các giải pháp quảng bá trực tuyến, sử dụng công nghệ để đưa hình ảnh sản phẩm đến với người tiêu dùng là những giải pháp mà các DN này áp dụng.
Sản phẩm nước uống tinh khiết
Vineco life phục vụ tuyến đầu trong dịch
Tìm cách giữ và phát triển thương hiệu
Là DN mới xuất hiện trên thị trường trong 2 năm, sản phẩm nước uống tinh khiết của Công ty CP Nước giải khát Vin Ecolife đang từng bước chinh phục khách hàng, mở rộng thị trường thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khiến kinh doanh gặp khó khăn. Tuy nhiên trong cái khó, DN này vẫn tìm được hướng phát triển và quảng bá thương hiệu riêng cho mình, nhờ sự nỗ lực, sản phẩm nước uống tinh khiết của công ty đã được tín nhiệm cung ứng nước uống cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại nhiều phường, xã trên địa bàn Biên Hòa. Ngoài số lượng cung ứng theo hợp đồng, những ngày này, anh Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc công ty cùng cộng sự của mình đang nỗ lực để cung cấp miễn phí thêm nước uống, rau củ quả cho các khu vực bị phong tỏa ở TP.Biên Hòa như: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân.
Tương tự, Doanh nghiệp tư nhân Trà Anh Trần, sau vài năm gia nhập thị trường, Trà Anh Trần đang dần trở thành thức uống quen thuộc của nhiều người dân Đồng Nai cũng như lân cận. Bắt tay vào xây dựng thương hiệu, DN phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố, từ việc đăng ký nhãn hiệu, môi trường cạnh tranh, nghiên cứu đối thủ và các cơ hội trên thị trường, nghiên cứu khách hàng và công chúng mục tiêu, xây dựng sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu, giá trị sản phẩm đối với sức khỏe con người. Trước đây, việc bán hàng của công ty chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp và mở rộng đại lý phân phối. Khi dich bệnh bùng phát, kinh doanh kiểu truyền thống khó khăn hơn, anh Trần Đăng Ánh, Giám đốc công ty đã chuyển hướng dần khi mang các sản phẩm của mình niêm yết trên các sàn thương mại điện tử để giữ được doanh số.
Ứng dụng công nghệ để phát triển thị trường
Việc ngưng các hoạt động tiếp xúc, bán hàng trực tiếp không chỉ khiến các DN nhất là ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ sụt giảm doanh thu mà còn rất dễ khiến nhiều người quên đi thương hiệu còn khá mới. Bài toán đặt ra đối với các DN này chính là việc xoay trục kinh doanh theo hướng đẩy mạnh marketing online, để tăng mối tương tác và chủ động tìm ra các đơn hàng tiềm năng cho tương lai, lúc dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh doanh tái khởi động.
Tại Công ty CP TMSX Canbesto Quốc tế chuyên thi công, lắp đặt các loại tủ bếp, để duy trì kinh doanh và tạo sức lan tỏa cho thương hiệu, công ty đã đầu tư máy móc, các phần mềm để sản xuất các video giới thiệu sản phẩm, dựa vào các video thực tế có sẵn khi lắp đặt bếp cho khách hàng trước đó. Các video được sản xuất với tiêu chí 100% sản phẩm thật, không sử dụng sản phẩm kỹ xảo và tăng tính tương tác cao. Điều này đã tạo ra sự gần gũi đối với người xem và lượng người đăng ký theo dõi kênh của công ty trên You tube đã tăng đáng kể.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm G.C (G.C Food), kinh nghiệm cho các DN trong những khoảng thời gian như hiện nay là cần cố gắng để tập trung đào tạo lại trong nội bộ công ty. Tại G.C Food, việc đào tạo nội bộ được diễn ra liên tục, để khi tình hình hồi phục các nhân viên trong toàn hệ thống có thể nắm bắt và triển khai nhanh nhất mục tiêu, ý tưởng kinh doanh đã đặt ra. Trong thời kỳ dịch bệnh, việc giảm doanh thu sẽ làm cho DN phải tính toán thay đổi về cấu trúc chi phí, như cắt giảm chi phí thuê văn phòng, mặt bằng khi không hiệu quả. Các xáo trộn cũng là cơ hội để tìm kiếm thị trường, khách hàng mới nếu DN chuẩn bị tốt để có những lợi thế về chi phí, sản phẩm, chất lượng và kênh phân phối đa dạng, đặc biệt là biết cách tận dụng lợi thế Internet.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập