Bắt đầu từ 1-1-2023, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Thay vì chỉ chịu thuế suất 8% thì người mua hàng hóa, dịch vụ trở lại nộp thuế VAT 10% như trước đây.

Để tiếp tục hỗ trợ DN và người tiêu dùng, chính sách giảm 2% thuế VAT đang được kỳ vọng tiếp tục gia hạn trong năm 2023
Để tiếp tục hỗ trợ DN và người tiêu dùng, chính sách giảm 2% thuế VAT đang được kỳ vọng tiếp tục gia hạn trong năm 2023
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi dòng tiền đang thiếu hụt, sức mua sụt giảm, nhiều DN đang mong đợi chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện, vừa để hỗ trợ DN lẫn người tiêu dùng.
Hỗ trợ tiêu dùng thúc đẩy kinh tế
Trong năm 2022, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện DN mở rộng hoạt động sản xuất, đồng thời còn giảm áp lực lạm phát.
Thuế VAT là sắc thuế gián thu đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng. Việc giảm thuế suất này, dù chỉ là 2% cũng sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ..., góp phần kiểm soát lạm phát. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm đi phần chênh lệch đó.
“Khi sản phẩm của chúng tôi ra thị trường được giảm thêm một khoản, dù không nhiều nhưng cũng sẽ kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn. Nhất là khi các sản phẩm chế biến của công ty đang hướng tới cung cấp cho tệp khách hàng là công nhân lao động”, chủ một DN ngành thực phẩm, đồ uống chia sẻ.
Về phía người mua hàng, bà Nguyễn Thị Hải, ngụ phường Thống Nhất cho hay với mỗi 100 ngàn đồng mua hàng hóa, bà tiết kiệm được 2 ngàn đồng. Mỗi tháng chi tiêu cho gia đình 6 người như nhà bà Hải cũng là một khoản lớn, bớt được đồng nào hay đồng đó trong thời buổi thu nhập giảm và vật giá leo thang đều rất đáng để thực hiện.
Trong khi đó, một DN chuyên công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa cũng thường xuyên phải thu mua nguyên vật liệu để chế tạo sản phẩm. Giá nguyên liệu nhựa trong nửa đầu năm 2022 đã tăng cao, lên xuống bất định làm cho DN khó khăn khi xuất, nhập hàng. Khi được giảm thêm 2% thuế VAT đã giúp DN tiết kiệm thêm một khoản tiền, từ đó có nguồn lực hơn trong việc thúc đẩy sản xuất.
Khảo sát tại các DN khác cũng cho thấy, việc giảm VAT khiến giá đầu vào giảm giúp họ có cơ hội duy trì, phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp mong muốn được gia hạn trong năm 2023
Điều đặc biệt của chính sách này so với các chính sách hỗ trợ khác như giảm lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn hay gói vay ưu đãi...là không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ phức tạp, hay các điều kiện ngặt nghèo. Theo quy định thì mức giảm được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa khiến đa số DN và người dân được hưởng lợi ngay lập tức.
“Là DN thuộc lĩnh vực thương mại hàng hóa nên chính sách giảm thuế VAT là điều mà chúng tôi mong muốn được tiếp tục thực hiện trong năm 2023 này. Đây là chính sách dễ áp dụng nhất, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa”, ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thách thức của nền kinh tế trong năm 2023 vẫn rất lớn. Đó là những thách thức từ bên ngoài tác động vào; sự phục hồi của các ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau; lạm phát có nguy cơ tăng nóng trong khi lãi suất đang ở mức rất cao. Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư công của Chính phủ còn nhiều rào cản, DN gặp khó về nhân sự; thị trường chứng khoán, trái phiếu đang điều chỉnh, lành mạnh hóa...tạo ra áp lự lên chính sách điều hành.
Theo TS Lực, bối cảnh khó khăn đòi hỏi các chính sách hỗ trợ, đồng hành cần phải tạo ra hiệu quả càng sớm, càng tốt. Duy trì sức khỏe của DN rất quan trọng, do vậy cần tiếp tục chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí. Việc tiếp tục giảm thuế VAT cũng là một trong những giải pháp tăng sức đề kháng cho DN trong thời gian tới.