Doanh nghiệp gặp khó vì vật liệu xây dựng tăng giá

Thứ ba - 11/05/2021 10:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Suốt thời gian qua, giá các loại vật liệu xây dựng như: sắt thép, xi măng, cát đá…đã tăng đến mức chóng mặt. Điều này không chỉ khiến các cửa hàng bán vật liệu xây dựng thô giảm doanh thu mà còn khiến cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân cũng bị ảnh hưởng.
11.5-Doanh nghiệp gặp khó vì vật liệu xây dựng tăng giá.jpg
Người dân cũng gặp khó khi xây dựng nhà ở riêng lẻ vì giá vật liệu tăng
Xu hướng tăng giá này chưa thể sớm khắc phục được trong tình hình hiện nay.
Hiệp hội nhà thầu xây dựng cầu cứu
Khảo sát thị trường cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều DN sản xuất thép như: Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán. Trước tình hình giá cả vật liệu xây dựng leo thang càng lúc càng chóng mặt, ngày 19-4, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về giá thép xây dựng. 
VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến. So với thời điểm quý IV-2020, giá thép đã tăng 40% ở hầu hết các loại thép. 
Việc này khiến các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này. Trong khi đó, các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng, không cập nhật thường xuyên nên cũng cần phải bám sát đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu một cách hợp lý hơn.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn còn rất căng thẳng. Có thể phải đến tới giữa năm, thậm chí cuối  năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và trang trí nội thất mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định.
Người bán, người mua đều bị ảnh hưởng 
Đối với các đơn vị kinh doanh, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi, tăng giá khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng thô bị giảm mạnh. Giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và chủ đầu tư đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giảm giá. Điều này khiến các cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, cửa kính, ván ốp tường, trần thạch cao…  cũng ế ẩm theo.
Đối với DN ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt ảnh hưởng mạnh đến các công ty xây dựng, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Bên cạnh đó, lượng khách hàng có nguy cơ giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét dời kế hoạch lại. Cũng có khách hàng vẫn tiếp tục hợp đồng làm nhưng phải cắt giảm diện tích xây dựng, bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt.
Đại diện một đơn vị kinh doanh thép phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng khu vực Đồng Nai, Bình Dương cho hay không chỉ nhà kinh doanh "méo mặt" mà nhiều chủ thầu đã ký hợp đồng từ trước không chịu nổi. Theo anh Khoa, đã có tình trạng chủ thầu “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận bỏ ngang công trình để cắt lỗ vì không trụ được trước tình hình giá vật liệu tăng phi mã. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khó lường nên cả các DN bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục.
Phan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây