Không chỉ hợp tác trong đào tạo nghề cho học sinh - sinh viên (HS-SV), nhiều doanh nghiệp (DN) còn chủ động mở các lớp đào tạo ngay tại công ty và mời giảng viên về dạy. Cách làm này không chỉ giúp DN có được nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu mà còn tạo cơ hội học tập, thăng tiến cho chính lực lượng công nhân đang làm việc tại DN.
Niềm vui “đến trường” của công nhân
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay sau khi học xong phổ thông, chị Bùi Thị Mỹ Phương rời quê Thừa Thiên - Huế vào Đồng Nai tìm việc. Kể từ đó đến nay, chị Phương gắn bó với Công ty Asia Garment (thuộc Tập đoàn Esquel - KCN Amata). Sau nhiều năm làm công nhân, với bản tính chăm chỉ, trách nhiệm trong công việc nên chị Phương được cất nhắc lên làm tổ trưởng.
Năm 2016, công ty mở lớp Trung cấp may thời trang với sự hợp tác đào tạo của Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đã có gia đình và khá bận rộn nhưng chị Phương vẫn đăng ký tham gia lớp học. Kết thúc khóa học, chị được nhận học bổng của công ty với số tiền hơn 7 triệu đồng. Hơn thế nữa, chị còn được cất nhắc lên cấp quản lý cao hơn (quản lý 5 chuyền sản xuất). Hơn cả niềm vui, chị Phương cảm thấy rất hạnh phúc vì được tham gia khóa học, có bằng trung cấp, có cơ hội thăng tiến trong công việc. Đây còn là tiền đề để chị tiếp tục con đường học tập mà chị đã không thể thực hiện khi còn trẻ.
Khóa học đầu tiên tại DN rất thành công với 58 công nhân tham gia học tập. Phần lớn các học viên đều đã trở thành quản lý chuyền may, có người làm quản đốc quản lý khoảng 5 - 7 chuyền sản xuất. Tháng 6-2018, Công ty Asia Garment tiếp tục tổ chức lớp trung cấp công nghệ may thời trang khóa 2 dành cho công nhân đang làm việc tại công ty. Thời gian khóa học 18 tháng, mỗi tuần học 3 buổi. Trong đó, tùy theo vị trí công tác, công ty sẽ tài trợ từ 25% đến 50% tổng học phí trọn khóa cho nhân viên và công nhân. Ngoài ra, những học viên có thành tích học tập tốt sẽ được công ty trao học bổng vào cuối khóa học.
Công nhân Công ty Asia Garment (KCN Amata) tham gia khóa học Trung cấp kỹ thuật may thời trang.
Lớp học được tổ chức ngay tại công ty nên rất thuận tiện cho các học viên. Theo đó, nếu làm ca sáng thì công nhân tham gia lớp học buổi chiều và ngược lại. Điều kiện ràng buộc lớn nhất mà công ty đưa ra là công nhân phải cam kết làm việc tại công ty ít nhất 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp, không bỏ học giữa chừng và không vi phạm hợp đồng đào tạo. Ngoài lớp Công nghệ may thời trang, Asia Garment còn tổ chức lớp Tin học văn phòng.
Ông Lê Minh Phương, Giám đốc nhà máy Esquel Đồng Nai cho biết: “Do nhu cầu thực tế của việc sản xuất, lực lượng quản lý và lực lượng kỹ thuật của nhà máy còn thiếu và yếu nên công ty đã triển khai chương trình đào tạo cách đây hơn 3 năm. Chương trình này đã tạo điều kiện để nhiều nhân viên, công nhân của công ty có được bằng cấp chính quy. Đây là tiền đề tốt hơn để họ phát triển trong tương lai. Những kiến thức và kỹ năng mà họ học được trong khóa học này sẽ đem vào áp dụng trong môi trường sản xuất ở nhà máy để cống hiến cho sự phát triển của công ty. Nếu không tiếp tục gắn bó với công ty thì đây cũng là tiền đề để những công nhân này có được thành công trong sự nghiệp tương lai”.
Cũng theo ông Phương, do môi trường đầu tư ở Việt Nam có nhiều thuận lợi nên lượng đầu tư của các doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng. Không những vậy, các công ty tư nhân của Việt Nam hoặc các công ty nhà nước cũng chú trọng hơn đến nguồn lao động chất lượng cao. Đây là cơ hội cho nguồn lao động có chất lượng tìm được những việc làm tốt. Cũng chính vì vậy mà việc “giữ chân” được người lao động có chất lượng cao trở thành một khó khăn đối với các DN. “Nếu chúng tôi tự đứng ra đào tạo được thì đây là tiền đề để công nhân gắn bó lâu dài với công ty hơn là chỉ tuyển nhân lực từ bên ngoài. Việc tổ chức những khóa học như thế này có thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào cách làm của từng DN. Riêng đối với Asia Garment đã có định hướng từ phía tập đoàn Esquel, sự phối hợp của Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.Hồ Chí Minh nên khóa học diễn ra suôn sẻ, hơn 80% học viên tham gia đã hoàn thành khóa học”, ông Phương cho hay.
Ông Phương cũng cho rằng, việc tuyển những nhân sự có bằng cấp vào công ty chỉ khả thi cho một số chuyên môn sản xuất. Đối với vị trí chuyên môn quản lý sản xuất thì công ty tự đào tạo là phương án tối ưu nhất bởi chương trình được thiết kế để người lao động trở thành người quản lý lao động trực tiếp, DN chủ động bàn bạc với nhà trường để thiết kế chương trình sát với thực tế. Vì thế, trong tương lai, mô hình đào tạo trong DN sẽ phát triển nhiều hơn nữa. Cách làm này không chỉ giúp DN có được nguồn lao động chất lượng cao mà còn tạo nên sự gắn bó giữa người lao động và DN.
Nhiều lợi ích cho xã hội
Ngoài việc tổ chức các khóa học theo diện bổ sung kiến thức, cập nhật những thay đổi của công nghệ, một số DN đã mời Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi làm đối tác đào tạo nghề chính quy cho công nhân đang làm việc tại DN. Sau khi hoàn thành khóa học thì được cấp chứng chỉ hoặc bằng nghề theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH. Chẳng hạn, Công ty Điện lực Gia Lai hợp tác với trường để đào tạo chương trình vận hành nhà máy điện trình độ sơ cấp (thời gian khóa học là 10 tháng). Sau khi tốt nghiệp khóa học này công nhân vẫn làm công việc vận hành máy nhưng có thể đảm nhiệm vị trí quản lý. Từ bằng sơ cấp này, học viên cũng có thể học liên thông lên trung cấp và cao đẳng.
Được biết, hiện nay, Cao đẳng Sonadezi đang liên kết đào tạo với nhiều DN theo hai hệ đào tạo là sơ cấp và trung cấp, các khóa học được tổ chức ngay tại DN. Một chương trình đào tạo thông thường có 60% “phần cứng” là lý thuyết theo quy định; 40% còn lại là phần thực hành. Khi hợp tác với các DN, nhà trường chỉ dạy đủ 60% phần cứng. Phần thực hành, học viên sẽ thực hành ngay tại vị trí công việc mà họ đang tham gia sản xuất trong thực tế. Ngoài ra, chương trình có thể linh hoạt đưa vào các nội dung mà DN cần bổ sung cho công nhân như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm...
Đào tạo nghề theo hình thức nhà trường và DN cùng kết hợp không còn là điều mới lạ trên thế giới. Đặc biệt tại CHLB Đức, mô hình này đã triển khai lâu năm và đã chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây vẫn là một xu hướng tương đối mới. Xét về chi phí đào tạo thì hình thức liên kết đào tạo tại DN có thể sẽ không tiết kiệm chi phí hơn cho DN so với cách tuyển dụng thông thường sau đó đào tạo lại. Tuy nhiên, hình thức đào tạo này lại có lợi ích lâu dài về sau.
“Nếu nhìn nhận một cách toàn diện sẽ thấy được lợi ích xã hội: về tính nhận thức, tính phổ quát của kiến thức... lớn hơn nhiều so với hình thức dạy truyền thống. Mặt khác, xét về góc độ xã hội, các DN cũng cần phải có trách nhiệm xã hội. Điều này thể hiện qua việc DN chia sẻ và đồng hành với nhà trường để đào tạo nhân lực. Tất nhiên, DN sẽ là nơi đầu tiên được hưởng lợi khi nhận được nguồn nhân lực có chất lượng do chính mình đào tạo. Nếu những công nhân này không gắn bó với DN mà đi làm việc tại nơi khác hoặc tự làm chủ thì xã hội cũng được hưởng lợi”, Tiến sĩ Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi chia sẻ.
Đào tạo nghề dự phòng cho người lao động
“Hiện nay nhiều DN đã thực hiện tốt các quy định của Luật Việc làm, trong đó có đào tạo nghề dự phòng cho người lao động. Đây là một việc làm hết sức cần thiết và chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty. Bởi vì khi doanh nghiệp chú tâm đến việc đào tạo nghề cho người lao động để dự phòng thì cũng đã muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài với người lao động. Về phía người lao động, nhờ được học nghề dự phòng nên họ cũng yên tâm vì nếu xảy ra trường hợp bị mất việc làm thì đã có nghề dự phòng khác ở trong công ty. Ngoài ra, nếu không làm việc ở công ty thì cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm ở các DN khác nhờ vào bằng cấp nghề được đào tạo một cách bài bản”, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết.
H. Yến - T. Nhân
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập