Thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị. Việc triển khai được các kỹ thuật cao không chỉ giúp ích cho bệnh nhân mà còn giúp các bác sĩ nâng cao trình độ, tay nghề.
Một ca phẫu thuật được thực hiện bởi ThS-BS.Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa
Ngoại lồng ngực, tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cùng đồng nghiệp
Kỹ
thuật cao phục vụ người bệnh
ThS-BS.Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, vừa qua khoa đã triển khai thành công kỹ thuật điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp và can thiệp tĩnh mạch vùng chậu để điều trị cho nhiều bệnh nhân. Kỹ thuật này rất khó thực hiện và trước kia chưa từng được triển khai tại Đồng Nai.
Cụ thể, bệnh nhân nữ M.T.T.N., 31 tuổi, ngụ H.Vĩnh Cửu bị sưng đau chân trái khiến bệnh nhân rất khó chịu, căng tức ở chân. Bệnh nhân đã đi khám ở một số nơi nhưng không cải thiện nên chuyển đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 cách đây hơn 1 tháng với triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân đã 2 lần sinh đẻ, hiện tại đang tự ngừa thai bằng thuốc tránh thai đường uống. Vài năm trở lại đây, bệnh nhân có triệu chứng tê chân trái hơn bên phải nhưng chưa từng đi khám vì tê chân. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị sưng nóng từ đùi đến cẳng bàn chân, mạch ở mu bàn chân vẫn đập tốt, vận động thụ động căng tức nhẹ, bắp chân trái to hơn chân phải 3cm. Nghi ngờ bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu nên các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu và siêu âm mạch máu 2 chân. Kết quả tĩnh mạch sâu chân bên trái của bệnh nhân bị tắc hoàn toàn từ vùng khoeo lên đến tầng chậu.
Bệnh nhân sau đó tiếp tục được chụp MSCT mạch máu, kết quả ghi nhận tình trạng huyết khối lấp đầy hệ tĩnh mạch sâu chân bên trái. Ngoài ra, hình ảnh CT Scan còn chỉ ra bệnh nhân có tĩnh mạch vùng chậu trái bị chèn ép bởi động mạch đùi phải.
Nhận thấy tình trạng bệnh cấp tính, các bác sĩ đã lên phương án can thiệp cho bệnh nhân bằng 2 kỹ thuật mới nhằm làm tiêu cục máu đông ở chân và can thiệp làm mở rộng thông thoáng vị trí tĩnh mạch bị chèn ép. Sau khi hoàn thành can thiệp, chân trái của bệnh nhân giảm sưng đau rõ và bệnh nhân đã đi lại gần như bình thường.
Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân N.T.S., 37 tuổi, cũng đang sử dụng thuốc ngừa thai đường uống, đột ngột bị sưng đau chân và phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu tới gần sát tĩnh mạch chủ. Tĩnh mạch chậu trái bị chèn ép rất nặng gây hẹp khít.
Theo ThS-BS.Đỗ Trung Dũng, với 2 trường hợp này, các bác sĩ đặt 1 kim dài có nhiều lỗ chuyên dụng từ vùng khoeo vào tĩnh mạch chủ chậu của bệnh nhân (khoảng 70cm). Sau đó bơm thuốc tiêu sợi huyết liên tục trong 24 tiếng để làm cho cục máu đông tan hết. Sau đó tiếp tục can thiệp nong rộng tĩnh mạch chậu bị hẹp để không bị chèn ép nữa. Chỉ 3 ngày sau can thiệp, các bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực, được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân được hưởng lợi
Các bệnh nhân cùng người thân có sức khỏe tốt sau các ca phẫu thuật, tái
khám tại bệnh viện
Được biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp và can thiệp tĩnh mạch vùng chậu, các bác sĩ thường sử dụng thuốc chống đông hoặc đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ để phòng ngừa thuyên tắc phổi lớn cho bệnh nhân. Cả 2 phương pháp này không mang lại hiệu quả tuyệt đối. Đặt lưới lọc để phòng thuyên tắc phổi nhưng không phòng được hội chứng hậu huyết khối. Còn dùng thuốc cũng có những chống chỉ định của thuốc. Những nguyên nhân chèn ép tĩnh mạch vùng chậu vẫn còn nên bệnh nhân có nguy cơ tái lại rất cao.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị. Có những nhóm chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết như: bệnh nhân bị huyết áp cao; có chấn thương vùng đầu; có tổn thương mạch máu não gần nhất 3 tháng; có tiền sử xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, dạ dày; chống chỉ định với thuốc chống đông; mẫn cảm với thành phần của thuốc tiêu sợi huyết; có điều trị xuất huyết trong vòng 6 tháng. Trường hợp chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết thì các bác sĩ sẽ phải dùng kỹ thuật đặt lưới lọc hoặc dùng thuốc.
Nhóm kỹ thuật khác mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện được là phẫu thuật kết hợp với can thiệp. Tức là bác sĩ ngoại khoa hiện nay không chỉ biết mổ mà còn có thể thực hiện can thiệp để giải quyết các bệnh lý về mạch máu.
Cụ thể, với 1 trường hợp bệnh nhân bị tắc động mạch chậu, đùi, khoeo, tổn thương đa tầng, đã từng đặt stent, nếu chỉ mổ, bác sĩ sẽ phải rạch 1 đường mổ dài khoảng 50 cm, sau đó thay mạch máu cho bệnh nhân. Nhưng nay, khi kết hợp được giữa mổ và can thiệp, bác sĩ chỉ cần mổ 1 đường nhỏ khoảng 5cm rồi đi vào mạch máu, can thiệp vùng chậu, khoeo, mổ bóc nội mạch động mạch đùi chung và lấy stent bị tắc cho bệnh nhân. Qua đó, đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe, thời gian nằm viện cho bệnh nhân, đặc biệt là nhóm bệnh nhân lớn tuổi.
Việt Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập