Với các chương trình cho vay tín dụng chính sách do hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai, người vay, hộ vay không phải thế chấp tài sản; lãi suất dành cho người vay thấp hơn so với các ngân hàng thương mại; thời gian hoàn trả trong nhiều năm và tiền gửi tiết kiệm hàng tháng được tính lãi suất cộng dồn vào số tiền sẽ trả khi đến hạn…
Nhờ vậy mà từ năm 2002 đến nay 612,8 ngàn lượt hộ dân trong tỉnh đã được tiếp cận với vốn vay tín dụng chính sách với tổng số tiền gần 11,5 ngàn tỷ đồng để phát triển kinh tế, đầu tư cho con em học tập…

Bà Phạm Thị Gái (khu 15, xã Long Đức, H.Long Thành) bên nguồn nước sinh hoạt thực hiện từ vốn vay chính sách
Bà Phạm Thị Gái (khu 15, xã Long Đức, H.Long Thành) bên nguồn nước sinh hoạt thực hiện từ vốn vay chính sách
Hỗ trợ người dân xây dựng điều kiện sống cơ bản
Trong đó, các chương trình cho vay tín dụng chính sách khác của hệ thống ngân hàng CSXH đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia đình bà Lê Thị Thanh Hương (xã Long Đức, H.Long Thành) khu vực gia đình bà sinh sống hiện chưa có nước máy sử dụng. Từ đó, bà Hương vay 20 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách để làm công trình nước sạch hộ gia đình. Ngoài ra, với mong muốn chăn nuôi tại nhà để cải thiện thu nhập, bà Hương vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm rồi cùng với số tiền nhỏ dành dụm của gia đình để mua bò, một số gà, vịt về nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ và may mắn nên mỗi năm bà bán được 2 lứa gà, vịt với gần 100 con. Rồi bò đẻ con đầu nay tiếp tục mang thai con thứ 2.
Bà Hương là một trong số 181 ngàn lượt hộ dân được tiếp cận vốn vay từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện gần 334 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Cùng với đó, thông qua chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở đã có 222 hộ được vay vốn để xây dựng nhà ở. Đồng thời, có 357 khách hàng được vay vốn từ chương trình cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Nguồn vốn chính sách còn là động lực, điểm tựa để nhiều gia đình có điều kiện cho con em đến trường để tìm kiếm cơ hội việc làm cho tương lai. Tính đến nay, đã có gần 169 ngàn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn thông qua chương trình cho vay học sinh - sinh viên với tổng số tiền trên 1,5 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống tín dụng chính sách tỉnh còn triển khai chương trình cho vay học sinh - sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhờ đó giúp cho 45 học sinh, sinh viên khó khăn có thiết bị học tập.

Bà Lê Thị Thanh Hương (xã Long Đức, H.Long Thành) bên đàn gà tăng gia của mình từ nguồn vốn vay chính sách
Bà Lê Thị Thanh Hương (xã Long Đức, H.Long Thành) bên đàn gà tăng gia của mình từ nguồn vốn vay chính sách
Đem việc làm đến với người dân
Ngoài ra, theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, thời gian qua đã có gần 234 ngàn lượt khách hàng được vay vốn từ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chung tay thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay trên 1 ngàn tỷ đồng đối với 62 người sử dụng lao động thông qua chương trình cho vay người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để trả lương cho 91,1 ngàn người.
Ông Nguyễn Văn Hưng (xã Lộ 25, H.Thống Nhất) cho hay, gia đình hiện đang vay 100 triệu đồng từ hệ thống ngân hàng CSXH để giải quyết việc làm tại chỗ. Sau khi nhận vốn, ông Hưng mua bò, heo rừng con về nuôi. Hiện ông đã có 20 con heo rừng đang tuổi sinh sản cùng con bò cái sắp đẻ.
Tương tự, ông Trịnh Văn Xuân (ngụ xã Lộ 25, H.Thống Nhất) cũng đang vay 50 triệu đồng từ hệ thống ngân hàng CSXH theo chương trình cho vay hộ nghèo. Theo ông Xuân, quá trình thực hiện thủ tục vay vốn ông không mất bất kỳ khoản tiền dịch vụ nào. Ngược lại, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nơi ông làm tổ viên, chính quyền địa phương còn quan tâm hoàn thiện thủ tục. Sau khi nhận vốn, gia đình còn được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chọn mua con giống, thức ăn chăn nuôi, cách làm chuồng trại...
Còn bà Mã Thị Thủy (ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) thì cho biết, do thiếu vốn nên sản phẩm dép, guốc của bà làm ra không nhiều, vì ít chủ động được nguyên liệu. Cũng vì ít vốn nên việc bỏ hàng gối đầu cho các cửa hàng, đại lý là điều khó với bà. Bởi việc phải “chôn” vốn lâu ở các cửa hàng khiến bà không có tiền quay vòng mua nguyên liệu sản xuất. Sau khi được địa phương hỗ trợ thực hiện thủ tục vay vốn từ chương trình cho vay tự tạo việc làm của ngân hàng CSXH, bà đã mua được các loại máy cắt, mua được nhiều nguyên liệu để làm dép, guốc với số lượng lớn nên giá rẻ hơn. Rồi việc bỏ hàng gối đầu cho các sạp cũng thuận lợi hơn rất nhiều.