Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức chương trình trực tuyến điểm hẹn Công nhân tháng 12 với chủ đề thay đổi văn hóa giao thông, bắt đầu từ chính bạn. Chương trình nhằm nâng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động (NLĐ) khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Các đại biểu khách mời trả lời câu hỏi công nhân quan tâm
Các đại biểu khách mời trả lời câu hỏi công nhân quan tâm
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đến tham gia chương trình từ rất sớm, chị Võ Thị Ngọc Thảo, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho hay, khi nghe công ty thông báo về chương trình ý nghĩa này, chị đã đăng ký tham gia để hiểu rõ hơn về các quy định khi tham gia giao thông. “Tôi thấy chủ đề về văn hóa giao thông đang được nhiều NLĐ quan tâm, nhất là khi công nhân tham gia giao thông trong các khu công nghiệp hoặc trên các tuyến đường. Đặc biệt, NLĐ được giao lưu với khách mời để nắm rõ hơn quy định về Luật Giao thông, hạn chế vi phạm trong tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng” - chị Thảo bộc bạch.
Chị Lê Thị Mau, làm việc tại Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) dù không có điều kiện đến tham gia chương trình trực tiếp nhưng đã theo dõi qua fanpage LĐLĐ tỉnh. Chị Mau cho biết, những kiến thức bổ ích từ chương trình sẽ giúp công nhân tham gia giao thông đúng quy định, đúng làn đường và hạn chế tình trạng tai nạn giao thông hoặc vi phạm các lỗi không đáng có.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Phước Sang cho biết, để nâng cao nhận thức của đoàn viên, công nhân lao động khi tham gia giao thông, hàng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức chấp hành luật giao thông. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.
Chương trình giao lưu trực tuyến Điểm hẹn công nhân với chủ đề Thay đổi văn hóa giao thông - bắt đầu từ chính bạn là một trong những hoạt động tuyên truyền nhằm giúp đoàn viên, NLĐ nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa giao thông trong thời gian tới. Đây cũng là hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và điều kiện sinh hoạt của NLĐ. Thông qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của NLĐ, nhất là việc xây dựng văn hóa giao thông.

Công nhân lao động tham gia chương trình
Công nhân lao động tham gia chương trình
Nâng cao ý thức cho công nhân
Tại chương trình, các đại biểu khách mời đã trả lời nhiều câu hỏi của NLĐ liên quan đến Luật Giao thông, văn hóa giao thông; thực trạng, giải pháp kéo giảm ùn tắc, kẹt xe tại các tuyến đường vào khu công nghiệp hoặc lúc công nhân tan ca; cách xử lý khi gặp các trường hợp tai nạn giao thông. Các đại biểu cũng khuyến khích NLĐ khi tham gia giao thông phải ứng xử văn hóa, không sử dụng rượu, bia khi chạy xe và phải chạy xe đúng làn đường quy định… Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã tặng nhiều phần quà cho công nhân tham gia phần trả lời kiến thức của mình về Luật Giao thông, văn hóa giao thông.
Trả lời câu hỏi của công nhân liên quan đến văn hóa giao thông và cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, văn hóa giao thông là thuật ngữ được phổ biến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Văn hóa giao thông là cách thức xử sự, ứng xử, tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan. Văn hóa giao thông xây dựng trên 4 nền tảng gồm: môi trường, quy tắc giao thông, quy tắc ứng xử và công tác tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức, nhận thức người đi đường.
Nhiều câu hỏi của công nhân liên quan đến giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại khu công nghiệp, những lỗi vi phạm thường gặp của người tham gia giao thông và mức xử phạt hành chính cụ thể cho từng hành vi… được các khách mời trả lời khá đầy đủ tại chương trình. Trong đó, nhấn mạnh đến các hành vi vi phạm hiện nay như: điều khiển xe mô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và các mức xử phạt; hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy khi tham gia giao thông trên đường bộ; hành vi điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ quy định, sai làn đường, đi ngược chiều hoặc lấn chiếm đường…
Đến dự và theo dõi xuyên suốt chương trình, anh Nguyễn Duy Đức Toàn, công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) bộc bạch: “Tôi thấy chương trình rất hữu ích, nhất là phần trả lời câu hỏi các khách mời về các vấn đề “nóng” liên quan đến an toàn giao thông mà công nhân quan tâm. Từ đó, NLĐ có kiến thức bổ ích để tham gia giao thông an toàn, đúng quy định, không vi phạm hành chính, góp phần cùng cộng đồng xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh”.