Số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục gia tăng trong khi biến thể phụ của chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam khiến nguy cơ dịch chồng dịch, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân rất lớn.

Nhiều bệnh nhân sốc sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Nhiều bệnh nhân sốc sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
7 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần từ 23-6 đến 30-6, toàn tỉnh ghi nhận gần 900 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Số ca mắc cao nhất ở TP.Biên Hòa với 340 ca.
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng ở tất cả 11/11 huyện, thành phố. Tăng cao nhất là H.Thống Nhất (tăng 2.700%), H.Xuân Lộc (tăng 1.700%). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8,6 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 5,1 ngàn ca so với cùng kỳ năm 2021. Số ca tử vong do sốt xuất huyết là 7, tăng 6 ca so với cùng kỳ.
ThS-BS.Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện những ngày qua liên tục tăng. Hiện, tổng số bệnh nhi sốt xuất huyết đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện là 200 ca. Số bệnh nhi mắc tay chân miệng là 30 ca. Do số lượng bệnh nhi quá nhiều nên những trường hợp bệnh nhẹ, nghi ngờ được chuyển điều trị tại Khoa Tim mạch, Huyết học thần kinh. Những trường hợp sốt xuất huyết cần theo dõi kỹ, có yếu tố nguy cơ như béo phì được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Những trường hợp bệnh nặng, sốc, suy đa cơ quan được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
“Do quá tải nên ngoài các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện phải tăng cường thêm các bác sĩ ở những khoa khác để theo dõi, điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết. Riêng gần 20 bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng đang được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc” - BS Nghĩa nói.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn, trong đó có 3 - 4 ca sốc sốt xuất huyết.
BS CKI.Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, khoa có 60 giường bệnh nhưng phải chừa lại 10 giường để dự phòng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Do đó, chỉ còn 50 giường bệnh để điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó chủ yếu là sốt xuất huyết.
“Hiện tại, 2 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm chung 1 giường. Chúng tôi đã kê thêm 10 ghế bố để bệnh nhân nằm nhưng khả năng vẫn không đáp ứng được do số bệnh nhân nhập viện ngày càng đông. Mới đây, có 1 trường hợp tử vong ngay tại phòng Cấp cứu do sốc sốt xuất huyết nặng mà không điều trị kịp thời” - BS Hùng cho hay.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch Covid-19
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch Covid-19
Thiếu nhân lực, thiếu thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết
Theo BS CKI.Đồng Minh Hùng, dịch bệnh Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng mới đây, biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, TP.HCM đã lên kế hoạch kích hoạt lại hệ thống phòng, điều trị Covid-19 cho thấy dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Bên cạnh đó, dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang đe dọa xâm nhập vào Việt Nam. Dịch bệnh sốt xuất huyết đang rất “nóng” dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch rất cao.
Nguy cơ dịch bệnh là vậy nhưng nhân lực ở Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lại đang rất thiếu. Cả khoa hiện chỉ có 7 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ mới, 1 bác sĩ Phó khoa đã làm đơn nghỉ việc, điều dưỡng trưởng khoa cũng nghỉ việc.
“Nhân lực không đủ khiến những người ở lại phải gồng gánh khối lượng công việc rất lớn. Ngoài điều trị tại khoa, chúng tôi còn phụ trách phòng khám Nhiễm, phòng OPC, tổ chức các lớp tập huấn… Các bác sĩ, điều dưỡng hiện đang trực tua 4, tức là về nhà chưa kịp nghỉ ngơi đã phải tiếp tục vào bệnh viện trực” - BS Hùng bộc bạch.
Trong khi đó, theo ThS-BS.Nguyễn Trọng Nghĩa, các nhân viên y tế vừa phải trải qua đợt dịch Covid-19 rất nặng nề, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức thì lại phải tiếp tục “chiến đấu” với đợt dịch sốt xuất huyết nên hầu hết anh em y tế đều đuối sức. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết đã nghỉ việc, các bác sĩ, điều dưỡng mới tuyển vào chưa quen việc mà số lượng ca bệnh mới và ca bệnh nặng ngày càng nhiều khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Càng khó khăn hơn khi dung dịch cao phân tử HES 200 dùng để điều trị sốc sốt xuất huyết tại các bệnh viện trong tỉnh đã hết hàng từ 2 năm nay. Điều này buộc các bệnh viện phải sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 để thay thế, mà loại dung dịch cao phân tử thay thế hiệu quả không cao bằng HES 200.
BS Đồng Minh Hùng lưu ý, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Tỉnh Đồng Nai ghi nhận có cả 4 tuýp này lưu hành. Một người có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời, nhiều trường hợp mắc lần sau nặng hơn lần trước. Chính vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh.
“Ở người lớn, khi bị sốt cao 1, 2 ngày thường chủ quan, ra tiệm mua thuốc về nhà uống để tiếp tục đi làm mà không đến bệnh viện thăm khám sớm. Đến khi bệnh trở nặng, diễn biến nhanh, vào nhập viện thì đã rơi vào tình trạng sốc và nguy cơ tử vong rất cao.
Do vậy, người dân dù ở độ tuổi nào cũng tuyệt đối không được chủ quan, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt, đổ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết, diệt muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng… Khi bị sốt cao không hạ cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời” - BS Hùng nhắn nhủ.