Đối mặt với đại dịch Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, phong tỏa, nhiều doanh nghiệp trong ngành Giáo dục như các trung tâm ngoại ngữ, trường tư… ở Đồng Nai đã gặp phải nhiều khó khăn. Đóng cửa nhiều tháng, tiền mặt bằng cộng với các khoản chi phí khác là gánh nặng không nhỏ đối với các trung tâm, thậm chí nhiều cơ sở không trụ nổi phải sang nhượng hoặc chấm dứt hoạt động.
Trong bối cảnh đó, những đơn vị còn lại vẫn cố gắng để duy trì để chờ cơ hội phục hồi. Chuyển hướng đào tạo online hay làm thêm các dịch vụ khác cũng là giải pháp ngay tức thời để có thể cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
Do tình hình dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân vẫn trong tình trạng tạm đóng cửa
Ảnh hưởng mạnh
Do khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19 hoành hành suốt 2 năm qua, nhiều trung tâm ngoại ngữ ở Đồng Nai đã phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự… để cầm cự, chờ cơ hội hồi phục; trong khi vẫn phải trả lương cho người lao động, chi phí duy trì hoạt động kèm theo khoản nợ ngân hàng khiến các trung tâm rất áp lực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhưng các cơ sở giáo dục tư nhân vẫn khó tiếp cận được.
Thời điểm hoạt động mạnh nhất, Trung tâm Ngoại ngữ Taiyou của Công ty TNHH Tư vấn du học Nhật Ngữ có tới 7 cơ sở ở Đồng Nai, TP.HCM, tỉnh Bình Dương…, nhưng hiện nay chỉ còn lại 4 cơ sở ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom. Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc trung tâm thì so với trước đây doanh thu của trung tâm sụt giảm rất mạnh.
“Do ngoại ngữ là môn học để lâu sẽ quên kiến thức nên các thầy cô cùng học viên luôn cố gắng duy trì giờ học qua hình thức online. Học phí cũng được trung tâm giảm 60% so với học trực tiếp nên nguồn thu sụt giảm, trong khi chi phí nhân lực cả chính thức lẫn thời vụ hơn 20 người” - ông Tuyến cho hay.
Tương tự, bà Đoàn Thị Nguyên Thảo, Giám đốc Công ty CP Đào tạo Thành Nhân cũng cho biết doanh nghiệp của mình gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng qua. Hiện nay, học sinh học online chương trình chính khóa tại nhà, thời gian dành cho việc học ngoại ngữ của trung tâm không được như trước. Mặt khác, học online đối với ngoại ngữ không có ai kiểm tra cho các em nên để hoạt động một cách ổn định là rất khó.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ dành cho người lớn, dù khó khăn nhiều bề song vẫn có thể cố gắng bám trụ bằng hình thức dạy online nhưng đối với các trường mầm non tư thục nhỏ lẻ thì rất khó khăn. Qua các lần dịch bệnh bùng phát và cho tới nay, cơ sở giáo dục tư thục mầm non vẫn chưa thể hoạt động trở lại được. Một số không chịu nổi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác nên đã đóng cửa, trả mặt bằng.
Cầm cự để chờ hồi phục
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và vẫn chưa biết thời điểm có thể phục hồi trở lại việc đào tạo trực tiếp thì nhiều cơ sở vẫn đang phải cầm cự hoặc tìm dịch vụ khác để hoạt động chờ thời.
Trong thời điểm dịch bệnh, Công ty TNHH Tư vấn du học Nhật Ngữ đã ký kết được 2 hợp đồng đào tạo tiếng Nhật cho doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Long Đức và Biên Hòa 2. Hiện tại, việc đào tạo tiếng Nhật đang tạm ngưng do tình hình dịch bệnh và các công ty này phải sản xuất “3 tại chỗ”. Với tình hình hiện nay thì trước mắt là phải tập trung đẩy lùi dịch bệnh, trung tâm chấp nhận đợi đến hết năm 2021 để tìm cách hồi phục.
Cùng “cảnh ngộ”, hiệu trưởng một trung tâm dạy tiếng Anh dành cho trẻ em ở TP.Biên Hòa trước những khó khăn của trung tâm đã phải tạm thời chuyển hướng sang kinh doanh thương mại, buôn bán các mặt hàng điện tử để có doanh thu, duy trì hoạt động cho trung tâm với mức tối thiểu.
Đó cũng là tình trạng chung của dịch vụ đào tạo ngoại ngữ ở các địa phương lân cận. Ông Hà Đình Tiến, đại diện Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ Vi Da ở tỉnh Bình Dương cho biết dịch là khoảng thời gian để sắp xếp lại trung tâm, chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Điều quan trọng, để giữ chân học viên thì việc học và học phí vẫn được bảo lưu, bên cạnh đó cũng hỗ trợ học phí cho những học viên có gia đình gặp khó khăn, tổn thất sau dịch.
Nam Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập