Để Đồng Nai hấp dẫn nhà đầu tư FDI

Thứ sáu - 29/10/2021 09:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nhiều năm qua, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu ở Đồng Nai, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Vì thế, tạo môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để giữ chân và tiếp tục thu hút DN FDI là rất cần thiết.

Theo UBND tỉnh, DN FDI đầu tư vào tỉnh hơn 30 năm, nguồn vốn DN FDI đã giúp Đồng Nai trở thành một trong thương hiệu lớn của Việt Nam về phát triển công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI. Tỉnh cũng trở thành một trong những khu vực dẫn đầu cả nước trong thu hút dòng vốn FDI.

1c5-281021d.jpg?t=1752456061
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fijitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biện Hòa 2​

Thu hút nhiều tập đoàn lớn

Đồng Nai là nơi hội tụ được khá nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào sản xuất công nghiệp như: Hyosung, Taekwang, Amata, Nestlé, Bosch, Meggitt, Schaeffler, Shing mark, Fujjitsu, Alltech, CP, Cargill, Hansol Technics, Oji Paper, Intops... Trong đó, có nhiều tập đoàn đã chọn tỉnh là nơi đầu tiên mở công ty, rồi từng bước mở rộng đầu tư ra các tỉnh, thành khác trong cả nước và tương đối thành công.

Qua hơn 3 thập niên, dòng vốn FDI đã đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước. Trong gần 9 tháng của năm 2021, các DN FDI trên địa bàn tỉnh đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 10,7 ngàn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 99% kế hoạch năm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá: “Các DN FDI đầu tư vào Đồng Nai ngoài đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước thì còn giải quyết việc làm cho gần 613 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các DN FDI cũng từng bước hình thành một đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, chuyên nghiệp hơn”. Bên cạnh đó, các DN FDI còn thúc đẩy các DN có vốn đầu tư trong nước phát triển, tạo thành chuỗi liên kết để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhận xét: “Dịch bệnh diễn ra khá phức tạp, nhưng 9 tháng của năm 2021, thu hút đầu tư FDI của cả nước vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam vì giúp công nghiệp phát triển, xuất khẩu tăng và đóng góp lớn cho ngân sách”.

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất nhập khẩu của FDI tiếp tục tăng trong 9 tháng. Trong khi các DN có vốn đầu tư trong nước tăng nhập siêu, thì khu vực FDI cả nước xuất siêu gần 18,2 tỷ USD. Tại Đồng Nai, trong 9 tháng năm 2021, các DN FDI xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD.

2c5-281021d.jpg?t=1752456061
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fijitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biện Hòa 2​

Liên tục cải thiện môi trường đầu tư

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành nằm trong TOP đầu của cả nước về thu hút đầu tư FDI. Hai năm qua, dù xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn tăng trưởng khá cao. Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, Đồng Nai tạo được môi trường đầu tư ổn định để DN yên tâm khi đầu tư mới và mở rộng sản xuất. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua các năm.

Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Đồng Nai là nơi có rất nhiều DN Nhật Bản đã chọn đầu tư vào và rất thành công. Có những DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 20 năm và đã tăng vốn lên gấp 2-4 lần so với ban đầu, giúp các DN khác an tâm hơn khi chọn tỉnh để đầu tư mới”.

Dù xảy ra dịch bệnh nhưng đến cuối tháng 9-2021, dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh đạt gần 1 tỷ USD, có nhiều dự án có vốn đang ký từ vài chục đến cả trăm triệu USD.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết: “Gần 2 năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, thách thức cho DN, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh và Việt Nam nên tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững. Vào tháng 4-2021, Tập đoàn Nestlé tiếp tục đầu tư thêm 132 triệu USD vào Đồng Nai để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ cho xuất khẩu”.

Tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, Đồng Nai xác định sẽ thích nghi với tình hình mới. Do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, số lượng lao động lớn, việc mở cửa lại sản xuất kinh doanh phải đảm bảo cùng lúc 2 mục tiêu là phòng chống dịch và sản xuất. Bên cạnh việc phòng chống dịch, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, tỉnh đẩy nhanh các dự án đầu tư công, kết nối hạ tầng giao thông, hoàn thành sớm các thủ tục để thành lập và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp. Như vậy, khi đại dịch lắng xuống, các nước khôi phục lại giao thương, Đồng Nai có sẵn nhiều khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư trong nước, FDI vào phát triển công nghiệp và các dịch vụ đi kèm.

                                                                                         Vi Quân          

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây