Những năm qua, Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực, thu hút đầu tư vào nước sạch. Nhờ đó, có 83% hộ gia đình được dùng nước sạch. Tuy nhiên, nếu tính riêng tỷ lệ hộ dân dùng nước máy thì còn rất khiêm tốn.

Đầu tư hạ tầng nước sạch tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa
Đầu tư hạ tầng nước sạch tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa
Mục tiêu của tỉnh là nhanh chóng có nước sạch cho mọi người dân sử dụng để đảm bảo sức khỏe.
Nhiều đô thị vẫn thiếu nước sạch
Tính đến hết Quý I-2023, tỷ lệ hộ dân tại các đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt gần 84%. Con số này tập trung ở một vài đô thị, nhiều đô thị vẫn thiếu hạ tầng, thiếu nước sạch.
TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ) là đô thị có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp nhất. Ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, nhiều năm nay huyện không kêu gọi được nhà đầu tư nước sạch. Cho đến năm 2021 mới có nhà đầu tư nước sạch. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 500 hộ dân TT.Long Giao được cấp nước sạch, đạt khoảng 9% dân số.
Tại TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom), mặc dù có đường ống nước sạch đã nhiều năm nay nhưng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch mới đạt hơn 40%. Nguyên nhân theo địa phương là nhiều tuyến đường mới chỉ có một bên có nước sạch; đường hẻm, khu dân cư đường ống cấp nước sạch vẫn chưa tới.
Còn tại TP.Biên Hòa, có khoảng 101 ngàn người chưa được cấp nước sạch. Trong đó, P.Tam Phước, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch mới 7% dân số, xã Long Hưng đạt 55% dân số...
Ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, thành phố còn 3 phường, xã có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp hơn mục tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy. Đầu năm 2023, thành phố đã làm việc với Công ty CP cấp nước Đồng Nai về phương án cấp nước cho người dân. Tới đây, công ty sẽ đầu tư 2 dự án cấp nước cho P.Phước Tân, P.Tam Phước. Riêng xã Long Hưng, do quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt nên thành phố kiến nghị làm dự án cấp nước tạm để người dân sớm có nước sạch.
Hiện nay, tỷ lệ cấp nước đô thị bình quân chung cả tỉnh gần đạt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025. Nhưng nhiều đô thị, tỷ lệ này còn thấp. Để tăng tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch, cần đầu tư dự án cấp nước và đường ống phân phối.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, đã làm việc với các địa phương, đơn vị cấp nước về kế hoạch phát triển nước sạch cho đô thị. Công ty CP Cấp nước Gia Tân sẽ đầu tư dự án, công trình cấp nước sạch cho người dân 2 thị trấn là Long Giao và Dầu Giây. 9 đô thị còn lại (gồm 7 thị trấn và 2 thành phố), Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và các công ty liên kết, trực thuộc có trách nhiệm thực hiện. Đơn vị nào không thực hiện được theo kế hoạch của tỉnh sẽ có hướng xử lý.

Nhà máy nước Thiện Tân, cung cấp phần lớn nước sạch trên địa bàn tỉnh
Nhà máy nước Thiện Tân, cung cấp phần lớn nước sạch trên địa bàn tỉnh
Thiếu nước sạch cho nông thôn
Nước sạch đang là vấn đề bức thiết của nhiều người dân nông thôn. Bởi lẽ, nước ngầm ngày càng suy giảm cả về lưu lượng lẫn chất lượng, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày một tăng.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) kể, khu vực ấp Chợ nguồn nước ngầm bơm lên có mùi hôi dầu. Ông và nhiều hộ dân muốn chuyển sang dùng nước máy nhưng chi phí đường ống lớn quá (khoảng 10 triệu đồng/hộ). Ông Phúc kiến nghị nhà nước hỗ trợ theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm để người dân giảm gánh nặng, sớm được dùng nước sạch.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Khánh, xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) cho biết, 4 xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Lâm San, Sông Ray vào mùa khô nước ngầm rất khan hiếm. Nhà này phải dùng ké nước nhà khác. Người dân nghe nói có dự án cấp nước sạch cho 4 xã nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.
Trái với bức thiết của người dân, các công trình cấp nước nông thôn chỉ hoạt động đạt khoảng 48% công suất so với thiết kế do chất lượng nguồn nước cấp không ổn định, nhiều công trình không có thiết bị xử lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, thời gian qua, ngân sách tỉnh đã đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng cho hơn 80 công trình nước sạch nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt khá cao, khoảng 83%. Tuy nhiên, các công trình nước sạch nông thôn công suất hoạt động dưới 50%, đây là sự lãng phí trong sử dụng nguồn lực. UBND tỉnh đã yêu Sở NN-PTNT rà soát, đánh giá tổng thể các công trình để có phương án xử lý phù hợp.
Giải pháp ưu tiên của tỉnh hiện nay là mở rộng đấu nối đưa nước máy về vùng nông thôn. Chỉ đầu tư mới một số công trình cấp nước nông thôn cho vùng sâu, vùng xa mà nước máy không tới được; nâng cấp các công trình để khai thác hiệu quả.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề nước sạch ngày 17-5 vừa qua cho rằng, nước sạch rất quan trọng với đời sống và sức khỏe của người dân. Mục tiêu của tỉnh không chỉ là 85% hay 90% mà mọi người dân đều được dùng nước sạch. UBND tỉnh cần xây dựng chiến lược để khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Bên cạnh đó, bố trí ngân sách thanh lý hoặc nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn hiện hữu. Các doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với tỉnh nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch.