Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhiều cựu chiến binh (CCB) lại làm nên những kỳ tích trên mặt trận xóa nghèo…
Họ là những CCB gương mẫu trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, góp phần xóa nghèo trong hội viên và trong công cuộc giảm nghèo chung của tỉnh.

Một mô hình trang trại của cựu chiến binh
Một mô hình trang trại của cựu chiến binh
*Quyết tâm vươn lên
Điểm chung của các CCB làm kinh tế giỏi là dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, họ cũng luôn nỗ lực vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu.
Trường hợp của CCB Nguyễn Hồng Thúy với cơ sở sản xuất cơ khí gia công tại xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Rời quân ngũ trong tay chỉ duy nhất chiếc máy tiện và một xưởng cơ khí nhỏ của gia đình tại Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Không vốn liếng, đất đai, tài sản; chiếc máy tiện cùng căn nhà của gia đình được bà thế chấp ngân hàng vay vốn cộng thêm nguồn vốn từ sự tín chấp của tổ chức Hội CCB để khởi nghiệp.
“Cứ từng chút một rồi khó khăn cũng qua đi, tôi và 8 công nhân ban đầu cùng nhau vượt khó lập nghiệp. Thế rồi, cơ sở Hồng Thúy chuyên gia công cơ khí chính xác cũng nhờ thế ra đời.”, bà Thúy cho biết.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, mô hình còn trợ giúp kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, giống cho nhiều CCB và người dân xung quanh vươn lên làm giàu. Qua đó, góp phần100% hộ CCB trong xã (tương đương 120 hộ) CCB có cuộc sống ổn định; hơn 2/3 hộ khá, giàu.
Từ khó khăn ban đầu, đến nay cơ sở của bà đã sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho 100 lao động (chủ yếu là CCB và con, cháu CCB) với mức thu nhập bình quân 8-15 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tạo việc làm ổn định, các chế độ phúc lợi cho người lao động được thực hiện như tham quan, nghỉ dưỡng và tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện, giúp người khó khăn do bị dịch Covid-19…
Mô hình làm kinh tế VAC khép kín của CCB Hoàng Công Diệp, xã Phú Túc, H.Định Quán là một điển hình tiêu biểu. Trên diện tích hơn 4,5 ha của gia đình, ông cùng vợ con nỗ lực khai thác trồng các loại cây, con giống có hiệu quả cao. Đặc biệt, ông đầu tư chăn nuôi heo, gà theo mô hình công nghệ sạch (VAC khép kín) cho thu nhập cao.
Đàn heo của gia đình ông luôn bình quân có trên 30 con heo nái, hơn 100 con heo thịt được chăn nuôi theo mô hình khép kín, đồng thời tận dụng chất thải chăn nuôi hoại mục trồng chăm bón các loại cây ăn trái bưởi, cam và cây có múi. Nhờ ham học hỏi kinh nghiệm, vận dụng tốt thành tựu khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu về trên 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các CCB Trần Văn Hạ, Nguyễn Quốc Khánh (Thống Nhất); Nguyễn Văn Nhân (Biên Hòa) hay Trần Văn Thực (Nhơn Trạch); Nguyễn Đình Kim (Xuân Lộc)…đã và đang là những điển hình làm kinh tế giỏi, tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội, được cộng đồng đánh giá cao.

Mô hình làm kinh tế VAC của CCB Nguyễn Đình Kim ở Xuân Lộc
Mô hình làm kinh tế VAC của CCB Nguyễn Đình Kim ở Xuân Lộc
*Đẩy mạnh những mô hình
Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh, Đại tá Huỳnh Công Phúc cho hay, “Trong đó, có 141 câu lạc bộ (CLB) CCB làm kinh tế ở 3 cấp; 186 doanh nhân CCB; 13 HTX và 41 tổ hợp tác CCB. Ngoài ra, còn xây dựng được 64 mô hình trang trại, 215 gia trại CCB thu hút hơn 10 ngàn lao động chủ yếu là CCB, con, cháu, người thân của CCB; giúp nhau hơn 30 tỷ đồng vốn xóa nghèo và cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nghèo trong hội viên hội CCB”.
Theo ông Huỳnh Công Phúc, cùng việc xác định nhiều phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ 2022-2027, đại hội đại biểu CCB tỉnh vừa qua xác định tiếp tục phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp hội CCB. Đại tá Huỳnh Công Phúc khẳng định: “Những CLB CCB hay mô hình CCB làm kinh tế giỏi đã và đang có hiệu quả tích cực tiếp tục được nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm sẽ động viên các tầng lớp CCB tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Trung thành- gương mẫu- đoàn kết- đổi mới” trong các cấp Hội sẽ góp phần để các mục tiêu, chỉ tiêu đại hội xác định nhanh chóng được triển khai trong thực tiễn”.