Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản

Thứ tư - 26/07/2023 10:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Hiện Đồng Nai có một số loại cây ăn quả có quy mô, năng suất thuộc nhóm đầu cả nước như: chuối hơn 14.000 ha, đứng đầu cả nước; xoài hơn 12 ngàn ha, đứng thứ 2 nước (sau Sơn La); bưởi 10,6 ngàn ha, đứng thứ 2 cả nước (sau Bến Tre); sầu riêng gần 11,4 ngàn ha đứng thứ 4 cả nước….
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 vùng trồng cây ăn quả được cấp chỉ dẫn địa lý là vùng bưởi tại Tân Triều và chôm chôm tại Long Khánh.
Người dân thu hoạch chôm chôm tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh
Người dân thu hoạch chôm chôm tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh

Nhiều vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho biết, trong thời gian qua, cơ cấu các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng hiệu quả bền vững, trong đó chủ yếu là các cây công nghiệp lâu năm như: tiêu, điều, cao su sang các loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng, chuối, mít…. Từ đó, đã góp gần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt ở mức 2 – 2,5 % trong những năm gần đây, trong bối cảnh diện tích sản xuất nông nghiệp giảm nhiều để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng ăn quả chuyên canh tập trung, quy mô lớn như: chuối tại huyện Trảng Bom, Thống Nhất; sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, TP.Long Khánh; xoài tại Định Quán, Xuân Lộc; cây có múi trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú;…

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất trồng trọt nói riêng và cây ăn quả nói chung, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp tốt với các ngành, địa phương để triển khai một số nhiệm vụ giải pháp.

Về công tác quy hoạch, đã rà soát, xác định được 98 vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 19.000 ha, 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 6.500 ha tại huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Nhơn Trạch và 10 khu vực trên địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ với quy mô 21.411 ha đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển các hình thức sản xuất, hình thành các liên kết ngang – dọc. Lĩnh vực trồng trọt đến nay đã hình thành 144 chuỗi liên kết với quy mô hơn 13 ngàn ha, trong đó có 88 chuỗi cây ăn quả; 249 trang trại. Hiện toàn tỉnh có hơn 1,6 ngàn ha cây ăn quả đạt chứng nhận ATTP; 2 mô hình sầu riêng, bưởi với quy mô 4,3 ha trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất đạt chứng nhận hữu cơ. Một số sản phẩm trái cây như bưởi, sầu riêng, xoài, chôm chôm của các HTX đạt chứng nhận sản phâm OCOP 3 sao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, hiệu hơn sản xuất đại trà từ 2 - 3 lần, riêng mô hình trồng sầu riêng (5 mô hình 706 ha) có lợi nhuận cao từ 700 triệu/ đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Để thúc đẩy hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Công Thương và các ngành, địa phương kịp thời thông tin về các doanh nghiệp, HTX, người dân về tình hình diễn biến thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các HTX, trang trại tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã tổ chức thành công 2 Lễ xuất khẩu đối với sản phẩm chuối và sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp TP Long Khánh tổ chức Lễ hội tôn vinh sản phẩm trái cây tỉnh Đồng Nai.

Về thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, hiện nay toàn tỉnh có 141 vùng trồng và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 104 vùng trồng, trong đó 12 vùng trồng sầu riêng, 18 vùng trồng xoài, 22 vùng trồng chôm chôm, 30 vùng trồng chuối, 13 vùng trồng mít với và 9 vùng trồng thanh long.

Tăng cường hỗ trợ quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường
Trong thời gian qua vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, trái cây vẫn còn gặp nhiều khó khăn hay rơi vào tình trạng được mùa mất giá, bán không có người mua. Theo Sở NN-PTNT, vần đề này có một số nguyên nhân cốt lõi như: liên kết trong sản xuất đã hình thành nhưng còn thiếu bền vững; hầu hết các hợp đồng liên kết có thời gian thực hiện ngắn, chủ yếu là hợp đồng theo từng vụ; việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các mặt hàng nông sản còn hạn chế, nhất là tiêu chuẩn về ATTP, quy cách mẫu mã, đây là điểm nghẽn trong việc mở rộng các thị trường mới trong bối cảnh thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư, tham gia liên kết lĩnh vực trồng trọt gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân…

Về các giải pháp, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm một số vấn đề như: bố trí quỹ đất, không gian phù hợp để đầu tư hệ thống bảo quản, lưu trữ, sơ chế, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm chủ lực địa phương, nhất là các vùng sản xuất gắn với các ngành hàng có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: chuối, bưởi, sầu riêng, xoài…

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm chế biến nông sản tại xã Long Giao, Cẩm Mỹ và Cụm công nghiệp chế biến tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu đột phá về nông nghiệp của tỉnh. Gắn việc thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp với xây dựng chuỗi liên kết; gắn việc xây dựng thương hiệu sản phẩm với chương trình OCOP; đẩy mạnh việc mời gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tham gia chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các vùng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, quy mô để đáp ứng nhu cầu kết nối vào các nhà máy chế biến, thị trường xuất khẩu. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp để khơi thông nguồn lực cho phát triển, như: hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; liên kết sản xuất; hỗ trợ sản xuất an toàn; xúc tiến thương mại...

Tác giả: Trang Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây