Dạy học trực tiếp: ổn định để chuẩn bị tăng tốc

Thứ sáu - 25/02/2022 15:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nhờ công tác tổ chức tốt, các phương án chống dịch Covid-19 được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nên việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp đã diễn ra thuận lợi. Trong tuần đầu và tuần thứ 2, các trường đã tập trung vừa dạy kiến thức mới, vừa củng cố kiến thức cũ cho học sinh và sẵn sàng để bước vào giai đoạn tăng tốc, chuẩn bị kiểm tra giữa học kỳ 2.

Công tác tổ chức tốt, phụ huynh yên tâm

Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) cho biết, trong tuần đầu tiên đón trẻ đến trường, nhìn chung tâm lý phụ huynh khá yên tâm. Nhờ đó, số lượng trẻ đến trường ngày càng tăng. Cụ thể, trong ngày đầu tiên, có tỷ lệ 63,7% trẻ đi học và liên tục tăng trong những ngày tiếp theo. Đến ngày 21-2, có khoảng 80% trẻ đến trường, 20% còn lại phụ huynh đã xin cho trẻ nghỉ đến hết tháng 2.

Mặc dù nghỉ học dài ngày (9 tháng) nhưng đa số trẻ đã nhanh chóng hòa nhập, đi vào nền nếp. Riêng đối với các trẻ mới và trẻ độ tuổi nhà trẻ thì các cô cần phải mất 1-2 tuần mới ổn định được. Năm nay, công tác tuyển sinh lớp nhà trẻ của trường đạt kết quả cao, sĩ số đông hơn so với mọi năm (77 trẻ/75 chỉ tiêu). Vì vậy, trong những tuần đầu tiên, giáo viên các lớp nhà trẻ khá vất vả.

Để ổn định tâm lý cho trẻ, trong tuần đầu, các trường mầm non chưa đi vào chương trình dạy học, chỉ tổ chức các hoạt động nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường, với cô giáo và bạn bè; đưa trẻ vào thói quen, nền nếp, ăn, ngủ đúng giờ… Bước sang tuần thứ 2, nhà trường bắt đầu chương trình giảng dạy và chỉ lựa chọn những nội dung cốt lõi, trọng tâm nhất để dạy trẻ.

“Hiện nay, một số phụ huynh có đề xuất nhà trường có kế hoạch bù đắp kiến thức, kỹ năng cho trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi sắp vào lớp 1. Thực tế, vì trẻ nghỉ học dài ngày nên từ nay đến cuối năm học, các cô sẽ rất khó để giúp trẻ đạt được kiến thức, kỹ năng mong đợi theo từng độ tuổi”, cô Minh chia sẻ.

Chị Trần Thị Hạnh, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) cho biết, chị có 1 con gái đang học lớp 9 và 1 con trai đang học lớp 4. Các con được đi học ở trường, bản thân chị rất mừng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón con.

“Mong muốn hiện nay của tôi cũng như nhiều phụ huynh khác là mong chính quyền, cấp quản lý sớm đánh giá tình hình sau tuần học đầu tiên và có kế hoạch cho học sinh được học bán trú ở trường hoặc gửi ở nhà cô. Điều này không chỉ giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc đưa đón trẻ mà còn nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức bị “hổng” trong quá trình học online”, chị Hạnh cho biết.

Thực tế, thời gian học online, nhiều học sinh tiếp thu kiến thức khá chậm. Vì vậy, phụ huynh rất muống con được đi học thêm để bổ sung lượng kiến thức bị thiếu hụt và lấy đà cho năm học tiếp theo.

Chuẩn bị “tăng tốc”

Theo cô Vũ Thị Nhiên, giáo viên Trường Tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất), so với các khối lớp khác của bậc tiểu học thì kiến thức của lớp 4 là “nặng” nhất. Ví dụ, môn Toán học sinh sẽ học chia 2, 3 chữ số. Nếu các em học tốt chương trình lớp 4 thì lên lớp 5 sẽ tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng hơn.

Thông thường, khi học trực tiếp, giáo viên sẽ thường xuyên đi xuống lớp, quan sát học sinh làm bài. Thấy học sinh bị chậm hoặc vướng chỗ nào là cô giảng lại ngay. Thậm chí, giáo viên tranh thủ giờ ra chơi để “kéo” học sinh chưa hiểu bài lại để giảng đến khi nào các em hiểu mới thôi.

“Quá trình học online, cô vẫn giao bài tập, học sinh đều làm bài, nộp bài đầy đủ và kết quả tốt. Tuy nhiên, có thể kết quả đó có sự hỗ trợ của phụ huynh hoặc tham khảo các nguồn khác. Vì vậy, khi đi học trực tiếp, tôi nhận thấy có nhiều học sinh bị “đuối” so với các bạn. Nhìn chung, nhịp độ tiếp thu bài của học sinh chậm hơn so với mọi năm. Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên phải mất nhiều thời gian hơn cho 1 tiết học để vừa nhắc lại kiến thức cũ, vừa giảng bài mới, vừa hỗ trợ học sinh…”, cô Nhiên bày tỏ.

Trong bối cảnh đó, giáo viên sẽ phải linh động thời gian của một số môn để tập trung nhiều hơn cho 2 môn Toán, Tiếng Việt. Những môn học khác, giáo viên phải cô đọng lại, truyền đạt kiến thức trọng tâm, cốt lõi nhất cho học sinh.

Còn thầy Đỗ Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thì cho hay, hiện nay nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động phụ đạo cho học sinh để giúp các em củng cố kiến thức trong thời gian học online. Riêng đối với học sinh lớp 12, ngoài thời gian học theo thời khóa biểu, phụ đạo thì buổi tối tất cả các em đều phải tham gia tự học trên lớp trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ 30. Học sinh lớp nào sẽ đến vị trí lớp đó học giống như trong giờ học chính khóa. Nhà trường có phân công quản sinh, giáo viên bộ môn và cán bộ Đoàn trực trong thời gian tự học của lớp 12. Trong đó, quản sinh và cán bộ Đoàn có nhiệm vụ quản lý học sinh, còn giáo viên bộ môn sẽ đi các lớp để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các em.

Dự kiến đến cuối tháng 3, căn cứ vào định hướng môn thi tốt nghiệp của học sinh, nhà trường sẽ phân chia thành các lớp theo môn thi để tăng tốc ôn tập cho các em, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Khó khăn của nhà trường hiện nay là cơ sở vật chất đã xuống cấp, đặc biệt là khu ký túc xá nam bị xuống cấp trầm trọng. Do đó, nhà trường đã phải chuyển đổi 5 phòng chức năng thành phòng ở cho các nam sinh để đảm bảo an toàn. Tình trạng xuống cấp của trường đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và có quyết định cho xây mới nhà trường. Chúng tôi rất mong chủ trương này sớm được thực hiện để học sinh có môi trường học tập mới khang trang, sạch đẹp, an toàn”, thầy Hải chia sẻ.

Hoà​ng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây