Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, giống có năng suất cao, chất lượng tốt là một trong những giải pháp căn cơ giúp nông dân tăng lợi nhuận cũng như ưu thế cạnh tranh cho nông sản.
Vựa giống cây trồng tại xã Phú Thanh, huyện Tân Phú. Ảnh: P.Anh
UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch số 11444/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững.
Tăng giá trị cho cây trồng
Chất lượng giống cây trồng có ý nghĩa quyết định về năng suất, chất lượng cây trồng. Kế hoạch đầu tư cho khâu giống của tỉnh tập trung phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đầu tư, ứng dụng những giống mới với năng suất, chất lượng cao góp phần tăng thu nhập, lợi nhuận của nông dân trong điều kiện sản xuất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nói về bài toán tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến giá lúa giảm trong khi chi phí sản xuất đội lên cao, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong tình hình sản xuất khó khăn như hiện nay, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là trong đầu tư cho khâu giống. Nên ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa có năng suất, chất lượng cao, giống lúa thơm có giá trị xuất khẩu cao. Ông Tùng so sánh: “Vụ lúa hè thu năm 2021, tỷ lệ sử dụng giống lúa thường làm giống chỉ còn khoảng 23% trên tổng diện tích ở khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản, nhất là giống lúa thơm ST24, ST25 và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Liên minh châu Âu. Các giống gạo chất lượng cao đã nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn trong năm 2020, giúp thương hiệu và vị thế xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển không ngừng”.
Cùng quan điểm, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, hiện nông dân trồng lúa tại địa phương đều chuyển đổi từ trồng giống lúa thường sang trồng các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25. Đây đều là những giống đặc sản đang được thị trường ưa chuộng nên bán được với giá cao, cung không đủ cầu. Nhờ đó, lợi nhuận của nông dân cũng tăng khá nhiều. Với nhiều cây trồng ngắn ngày khác, việc ứng dụng giống mới cũng được đặc biệt quan tâm, như mô hình sử dụng giống bắp mới thu hoạch cả cây làm thức ăn cho đại gia súc cũng là mô hình hay đang được nhân rộng tại địa phương vì thời gian thu hoạch ngắn hơn, lợi nhuận cao hơn.
Quan tâm ứng dụng giống mới
Ứng dụng công nghệ cao nghiên cứu, sản xuất giống mới tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (huyện Trảng Bom). Ảnh: P.Anh
Lai tạo ra nguồn giống mới có nhiều ưu thế vượt trội, cải tạo, thay đổi cho những vườn cây trồng già cỗi, chất lượng kém được nông dân đặc biệt quan tâm. Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) cho biết, địa phương là vùng chuyên canh cây điều lâu năm với diện tích cả ngàn ha. Nhiều vườn điều được trồng hơn 20 năm, cây già cỗi, giống cũ nên năng suất thấp. Vài năm trở lại đây, nông dân trồng điều tại địa phương được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi giống mới để tăng năng suất cho cây điều. Trong đó, giải pháp ghép cải tạo giống cho vườn điều già cỗi cho hiệu quả nổi bật nên nông dân trồng điều tại địa phương đều quan tâm thực hiện.
Ông Ngô Tấn Tài, phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, địa phương đã triển khai nhiều chương tình hỗ trợ nông hộ sản xuất ứng phó với đại dịch Covid-19 như: cấp giống cho 3.732 hộ dân với tổng số lượng trên 11 tấn bắp giống, tương ứng với diện tích gieo trồng khoảng 559 ha. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất bắp giống và bắp thương phẩm trên địa bàn huyện...
Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, giống tốt có ý nghĩa quyết định lớn đến hiệu quả sản xuất. Tuy Chính phủ đã có nhiều chương trình phát triển về cây, con giống nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách cho việc phát triển giống cần phải thay đổi với tinh thần quyết liệt hơn, nhất là nhanh chóng giải tỏa việc chậm trễ trong việc công nhận giống mới. Để tăng lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư công nghệ cao trong việc nghiên cứu, sản xuất giống với mục tiêu tiếp tục phát triển và tạo ra những giống cây trồng tốt nhất, chống được biến đổi khí hậu, tăng giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất…
Phan Anh