Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động

Chủ nhật - 12/09/2021 10:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cùng với việc đẩy mạnh phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai thì việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) và người dân đã và đang được tỉnh cũng như các cấp, các ngành quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ngoài đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước, các cấp chính quyền Đồng Nai và doanh nghiệp đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp NLĐ vượt qua khó khăn, yên tâm phòng, chống dịch.

img-4-12-9-2021-nam.jpg?t=1752456061
Lao đông tự do bị mất việc làm do dịch bệnh nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng tại UBND P.Bình Đa, TP.Biên Hòa

Tích cực hỗ trợ NLĐ

Theo Sở LĐ-TBXH, thực hiện gói an sinh hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tính đến ngày 4-9, Sở đã thực hiện rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho hơn 112 ngàn người với số tiền trên 168 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt cho trên 75 ngàn người với số tiền trên 113 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả cho trên 68 ngàn người với số tiền hơn 102 tỷ đồng. Trong đó, có 10 huyện, thành phố thực hiện chi trả đạt tỷ lệ 100% cho các đối tượng được phê duyệt như các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch...

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH huyện nhanh chóng rà soát, lập danh sách đối tượng lao động tự do bị mất việc làm do dịch bệnh để gửi UBND tỉnh phê duyệt thực hiện chi trả kịp thời cho NLĐ. Dựa trên danh sách được phê duyệt, Phòng LĐ-TBXH huyện bố trí nhân sự và cùng với các xã, thị trấn nhanh chóng giải ngân, chi hỗ trợ đảm bảo cuộc sống NLĐ. Đến nay, đã có trên 2 ngàn lao động tự do của huyện nhận được hỗ trợ với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Phòng LĐ-TBXH đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách để trình phê duyệt và thực hiện chi trả cho NLĐ.

Để chăm lo an sinh xã hội cho NLĐ, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2949/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được hưởng gói an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ông Trần Văn Tú ngụ P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), làm nghề phụ hồ cho biết, ông rất phấn khởi khi tỉnh đã mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lao động làm nghề phụ hồ. “Xóm trọ tôi đa số là dân phụ hồ từ miền Tây lên Đồng Nai lập nghiệp. Nhiều tháng thất nghiệp nên tôi rất chật vật với các chi phí tiền trọ, tiền ăn. Tôi đang làm đơn để được hưởng chính sách trên. Mong là NLĐ sớm nhận được hỗ trợ để ổn định cuộc sống” - ông Tú bày tỏ.

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh ghi nhận, đánh giá cao những địa phương đã nỗ lực chi trả hỗ trợ cho NLĐ kịp thời. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, ngoài các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách trên, cần rà soát danh sách, bổ sung, hỗ trợ thêm những đối tượng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Sử dụng hai nguồn lực này để làm sao hỗ trợ cho người dân một cách nhanh nhất.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, muốn phòng, chống dịch hiệu quả, trước hết phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng thêm đường dây nóng để có thể tiếp nhận đầy đủ thông tin của người dân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời, nhằm thực hiện an sinh xã hội một cách chu đáo.

“Các địa phương cần lấy xã, phường làm “pháo đài” để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn. Mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cho tỉnh ngay lập tức được chuyển về cho xã, phường để phân phối đến tay người dân. Quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ kịp thời cho NLĐ tự do, người nghèo, công nhân ở trọ để họ vượt qua được đại dịch” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Đồng hành cùng NLĐ

Ngoài lao động tự do thì Đồng Nai đang có trên 1,2 triệu lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong số lao động này, nhiều người đang bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, tỉnh cũng như các địa phương, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp đang nỗ lực chăm lo, ổn định tinh thần, đời sống NLĐ.

Theo Sở LĐ-TBXH, tính đến ngày 5-9, có 337 doanh nghiệp với gần 40 ngàn lao động lập hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền dự kiến gần 92 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 41 đơn vị sử dụng 482 lao động. Theo đó, đã thực hiện chi trả 27 đơn vị sử dụng 164 lao động với số tiền trên 621 triệu đồng. Đối với hỗ trợ NLĐ ngừng việc, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 9 đơn vị sử dụng 244 NLĐ với số tiền là 305 triệu đồng và bước đầu đã thực hiện chi trả cho 6 đơn vị sử dụng 71 NLĐ với số tiền 90 triệu đồng.

Đồng hành với NLĐ, nhiều Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đông công nhân phải tạm ngừng hoạt động để phòng dịch nỗ lực thương lượng với chủ doanh nghiệp cân đối tài chính, thực hiện chi trả mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết, công ty có gần 40 ngàn lao động, mặc dù tình hình công ty rất khó khăn nhưng Ban chấp hành Công đoàn đã thảo luận với Ban giám đốc công ty đưa ra nhiều chính sách có lợi nhất cho NLĐ: giữ được cho NLĐ mức lương ngừng việc tối thiểu là 170 ngàn đồng/người/ngày từ khi công ty tạm ngừng hoạt động để phòng dịch.

Tại Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (H.Xuân Lộc), đại diện Công đoàn công ty cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, công ty tiếp tục ngừng hoạt động và cho toàn thể NLĐ tạm ngừng việc từ ngày 6 đến 15-9. Công ty tiếp tục trả lương cho NLĐ theo Điều 99 Bộ luật Lao động với số tiền tương đương 170 ngàn đồng/người/ngày, ngoại trừ đội ngũ đi làm để thực hiện công việc thiết yếu vẫn được hưởng nguyên lương. Ngoài ra, bộ phận tổng vụ công ty đang làm thủ tục để NLĐ công ty được hưởng tiền hỗ trợ ngừng việc của Nhà nước theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để đẩy mạnh hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, Đồng Nai đã vận động công chức, viên chức toàn tỉnh, mỗi người ủng hộ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh 3 ngày lương (trong 3 tháng). Nếu như thực hiện đầy đủ việc đóng góp này thì 1 ngày lương của công chức, viên chức toàn tỉnh là 20 tỷ đồng, trong 3 ngày sẽ có 60 tỷ đồng để giúp đỡ người dân khó khăn vượt qua đại dịch. 

Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây