Gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng vừa được Chính phủ quyết định hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động đang nhận được sự quan tâm, chờ đợi của NLĐ và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để chính sách này được triển khai trong thực tế, hỗ trợ kịp thời người đang gặp khó khăn, rất cần những hướng dẫn cụ thể, giảm điều kiện nhằm kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ cũng như việc ổn định sản xuất, kinh doanh của các DN.
Công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Nhiều đối tượng được hưởng
Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động đưa ra 12 nhóm chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ bằng tiền mặt, miễn và hoãn nộp bảo hiểm xã hội, cho vay trả lương cho lao động. Trong đó, đề ra nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch; thiết kế đơn giản nhất, giảm 2/3 thủ tục so với trước; đảm bảo tính khả thi nhất.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 12, Mục II Nghị quyết số 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng áp dụng là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/ tháng đối với khu vực thành thị làm một trong các công việc sau:
NLĐ là thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; xe ôm, lái xe công nghệ 2 bánh; bán vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt , uốn tóc, nail), lao động làm việc tại các cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1-5-2021. Nguyên tắc hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trùng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Ngoài ra, mức hỗ trợ 1.5 triệu đồng/ người với NLĐ có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên (chỉ hỗ trợ 1 lần/ người). Theo đó, NLĐ gửi đơn đề nghị đến UBND cấp xã trước ngày 31-12-2021. Trường hợp NLĐ có nơi cư trú hoặc tạm trú không trong phạm vi tỉnh Đồng Nai phải viết đơn cam kết không lập hồ sơ đề nghị để được hỗ trợ tại nơi khác, nơi NLĐ đang thường trú, tạm trú.
Đại diện LĐLĐ tỉnh tặng quà lao động có hoàn cảnh khó khăn
Nhiều NLĐ khó khăn đang mong chờ
Anh Trần Văn Hùng (đang ở trọ tại khu vực phong tỏa xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch) cho biết, anh làm việc tại một công ty sản xuất cơ khí ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, lương bình quân 7 triệu đồng/tháng, đủ lo cho gia đình và trang trải chi phí sinh hoạt. Khi khu nhà trọ bị phong tỏa, anh phải cách ly ở nhà 15 ngày.
Anh Hùng nói: “Công ty động viên NLĐ ở các khu vực nhà trọ bị phong tỏa nghiêm túc thực hiện tốt các nội quy phòng dịch và sẽ có chính sách hỗ trợ. Dù vậy, chúng tôi rất mong gói hỗ trợ của Nhà nước đến sớm với NLĐ ở các khu vực phong tỏa để có thêm chi phí trả tiền phòng trọ, sinh hoạt và yên tâm hơn với cuộc sống”.
Chị Nguyễn Quỳnh Như, lao động tự do quê tỉnh An Giang cho biết, trước đây chị làm nghề cắt tóc tại H.Nhơn Trạch. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiệm đóng cửa, chị phải chuyển qua làm bánh bán thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi nghe tin Nhà nước hỗ trợ tiền cho lao động tự do, chị và cả xóm trọ mừng và đầy hy vọng. “Dịch bệnh bùng phát khiến tôi buộc phải ngừng việc đã hơn 1 tháng rồi. Bây giờ vẫn đang thấp thỏm chờ hết dịch để đi làm lại. Hàng ngày, tôi chỉ biết ở trong phòng trọ nghe ngóng. Giờ được nhận hỗ trợ thì mừng lắm, lúc khó, 1 đồng cũng quý. Tôi mong gói hỗ trợ sớm đến tay NLĐ để giảm bớt khó khăn thời điểm này” - chị Như bộc bạch.
Cũng giống như chị Như, anh Hùng, nhiều NLĐ khác làm nghề xe ôm, bán vé số, bán hàng dạo, kinh doanh nhỏ và trường hợp là NLĐ thuộc F0, F1, F2 đang điều trị bệnh, cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đều trông chờ vào gói hỗ trợ trên để có thêm chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo nhiều lao động, dịch bệnh không chỉ khiến tâm lý NLĐ lo lắng mà còn sợ bị mất việc làm, giảm thu nhập và thất nghiệp. Vì vậy, NLĐ mong các chính sách nhân văn sớm được triển khai và hướng dẫn NLĐ làm thủ tục đơn giản để nhanh chóng được hưởng thụ, ổn định cuộc sống.
Tích cực chăm lo NLĐ
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, những ngày qua, tổ chức Công đoàn cả nước đã chung tay tổ chức nhiều hoạt động kịp thời chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để giúp NLĐ vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh hoành hành, các cấp Công đoàn đã hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ bằng nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để giảm nguy cơ, tránh lây nhiễm virus hay có các cơ chế hỗ trợ tiền mặt từ nguồn tài chính Công đoàn.
Tại Đồng Nai, các cấp Công đoàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, đồng hành với tỉnh, các cấp, các ngành và DN đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại DN.
Ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động H.Trảng Bom cho hay, mới đây UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch tại hơn 100 DN trên địa bàn. Qua đó, đoàn ghi nhận những nỗ lực của các chủ DN và NLĐ trong công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại DN, đảm bảo sức khỏe NLĐ và việc sản xuất của DN. Đoàn cũng lưu ý các DN sớm có phương án kiểm soát dịch bệnh tốt để tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên cho NLĐ. Đối với các trường hợp F1, F2 phải cách ly hoặc lao động nằm trong khu vực phong tỏa, các DN cần có chế độ hỗ trợ để NLĐ không bị ảnh hưởng đến cuộc sống và tư tưởng.
Phong Lan