Đặc sản trà Phú Hội vào mùa Tết…

Thứ ba - 29/01/2019 22:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trà Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) vốn là đặc sản nổi tiếng từ lâu. Chế biến trà cũng là nghề thủ công truyền thống bao đời nay của người dân nơi đây. Kỹ thuật chế biến trà rất kì công nên số lượng sản phẩm làm ra có hạn và quý. Do vậy, khách sành trà muốn thưởng thức hoặc làm quà biếu thì phải gọi điện đặt chủ vườn cả tháng mới có, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.​

Trong dịp Tết cổ truyền này, bà con nông dân xã Phú Hội rất phấn khởi khi giá trà tăng cao hơn so với mọi năm; hiện trà khô có giá 500.000 đồng/kg, còn trà đã qua công đoạn ướp, pha chế hoàn thiện sản phẩm thì có giá 600.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá trà tăng lên 650.000 - 700.000 đồng/kg vì khan hiếm. Nhiều gia đình đã chủ động trữ trà bán trong dịp Tết.

Giữ gìn nghề truyền thống

Theo chân cán bộ xã Phú Hội, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lít (59 tuổi, tổ 9, ấp Xóm Hố), là một trong những hộ gắn bó với nghề trồng trà đến nay đã hơn 30 năm. Bà Lít kể, trước đây, hai khu vườn của gia đình có tổng diện tích gần 4 công (gần 4.000m2) dùng để trồng chôm chôm. Ðến năm 1987, khi vườn chôm chôm không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao thì gia đình bà đã chặt bỏ và trồng thay thế sầu riêng, mít, măng cụt và xen canh cây trà. “Hồi đó, tôi chưa chú trọng cây trà nhiều, vì giá rẻ, mỗi kg chỉ bán được vài chục ngàn đồng, không có lời. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng và bán cho vài khách quen trong xóm và các vùng lân cận”, bà Lít nhớ lại.

Vợ chồng ông Đặng Thanh Phong đang chăm sóc vườn trà.

Sau này, thương hiệu trà Phú Hội ngày càng vang xa; khách hàng khắp nơi tìm về mua ngày càng đông hơn. Từ đó, gia đình bà Lít quyết định đầu tư mở rộng vườn trà để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhờ trồng trà đã giúp gia đình bà có cuộc sống tốt hơn và có điều kiện nuôi dạy các con đàng hoàng; hiện các con của bà đã lập gia đình riêng và ai cũng có việc làm ổn định.

Không chỉ trồng trà giỏi, bà Lít còn nắm vững kỹ thuật ướp, pha chế để tạo ra hương vị trà thơm, ngon. “Trăm nghe không bằng một thấy”, bà Lít trổ tài pha trà mời chúng tôi thưởng thức. Nước trà pha ra có màu đỏ đậm rất đẹp, uống có hương vị thơm, vừa có vị hơi chát của trà và vị ngọt tự nhiên, không lẫn với các loại trà khác.

Bà Lít chia sẻ kinh nghiệm, trà xanh hái vào đem phơi vừa khô rồi vò cho xoắn lại, sau đó phơi tiếp lần nữa cho thật khô để đóng gói bán cho khách hàng (hiện giá trà khô là 500.000 đồng/kg). Nếu khách hàng yêu cầu ướp, pha chế thì người trồng sử dụng thêm một số loại gia vị tự nhiên khác, như lá trà Phật, ren, dứa… (tự trồng hoặc mua) rửa sạch rồi cắt nhỏ cho vào chảo đặt lên bếp rang. Bước tiếp theo, đem trà khô rang sơ qua rồi trộn các thứ lại, đem phơi qua nắng rồi ủ lại, sau đó đóng thành phẩm bán cho khách (hiện trà ướp có giá 600.000 đồng/kg).

“Kỹ thuật ướp trà Phú Hội đòi hỏi phải tỉ mỉ để tạo ra mùi hương sản phẩm thật thơm, nước trà đẹp mắt, hấp dẫn người dùng. Tất cả các công đoạn pha chế đều dùng thủ công và không sử dụng bất cứ hóa chất nào nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Sản phẩm của tôi làm ra chủ yếu bán cho những khách quen ở Long Thành, Ðại Phước, TP. Hồ Chí Minh và ở nước ngoài. Trong dịp này, giá trà ở mức cao và hút khách, có bao nhiều cũng bán hết. Qua tháng Giêng, tôi tiếp tục ướp trà bán cho khách Việt kiều để họ sử dụng hoặc tặng người thân”, bà Lít tâm sự.

Năm 1988, thấy vườn chôm chôm, sầu riêng không còn đem lại năng suất cao, gia đình ông Ðặng Thanh Phong (57 tuổi, tổ 3, ấp Phú Mỹ 2) quyết định chặt bỏ bớt và trồng thay cây trà. Mặc dù trải qua không ít thăng - trầm vì trà mất giá nhưng gia đình ông vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng. Khoảng năm 2006, đặc sản trà Phú Hội ngày càng nổi tiếng và nhiều người đến đặt mua sản phẩm, vợ chồng ông bàn bạc và thống nhất mở rộng diện tích trồng trà trong khu vườn 4.000m2. Ðến nay, trà đã trở thành cây trồng chủ lực và đem lại thu nhập chính cho gia đình. Thấy ông có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cây trà nên được chính quyền địa phương bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà Phú Hội.

Bà Ðặng Thị Thu Hương (vợ ông Phong) chia sẻ, cây trà cho thu hoạch quanh năm, chăm sóc đều đặn thì khoảng mỗi tuần là cho thu hoạch 1 lần; cứ 5kg trà xanh đem phơi khô còn được 1 kg trà khô. “So với một số cây trồng khác, việc đầu tư và chăm sóc cây trà đỡ tốn kém hơn nhiều, chỉ cần trồng 1 lần là cho thu hoạch hết năm này đến năm khác. Tuy nhiên, hiện đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định, vẫn phụ thuộc vào giá cả do thương lái đưa ra. Cho nên, chúng tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để mô hình phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là đầu ra sản phẩm ổn định để cuộc sống bà con được tốt hơn”, bà Hương mong muốn.

Thương hiệu trà Phú Hội

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang cho biết, trà Phú Hội có mặt tại địa phương đã hơn 100 năm. Cụ thể, qua lời kể của Mẹ Việt Nam anh hùng Ðặng Thị Quốc (102 tuổi, ấp Ðất Mới) thì cây trà Phú Hội đã có trước khi bà được sinh ra. Cây trà Phú Hội phát triển tốt tươi nhờ khí hậu, thổ nhưỡng ở đây thuận lợi. Hơn nữa, tại địa phương có hệ thống mạch nước ngầm tự nhiên (gọi là nguồn nước Mạch Bà) chảy qua đã góp phần hình thành xã miệt vườn nổi tiếng về các loại cây ăn trái và cây trà, tập trung nhiều ở vùng Ðất Mới, Xóm Hố. Trước đây, nước Mạch Bà trong mát, ngọt, sạch, dùng nước này nấu sôi và pha với trà Phú Hội thì tạo ra màu rất đẹp, thơm ngon hơn các vùng khác; vì vậy mới có câu “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”.

 
Hương vị trà Phú Hội rất đặc trưng và không lẫn với các loại trà nổi tiếng khác.

Cũng theo ông Sang, trước đây, bà con nông dân trồng trà Phú Hội rất nhiều, có thời điểm tổng diện tích lên đến hàng chục ha. Sau này do đô thị hóa, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều dẫn đến môi trường, nguồn nước, chất đất bị tác động, gây ảnh hưởng tới cây trà. Do đó, số hộ trồng trà cũng giảm xuống chỉ còn 32 hộ với diện tích khoảng 10 ha.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tìm mua trà Phú Hội để sử dụng hoặc làm quà, nhất là dịp Tết nên nhiều hộ nông dân đang tiến hành cải tạo, khôi phục và trồng mới cây trà. Bên cạnh đó, theo chủ trương của Chính phủ về chương trình xây dựng nông thôn mới là yêu cầu mỗi địa phương phải chọn một sản phẩm làm thương hiệu nên Ðảng ủy, UBND xã đã chọn cây trà Phú Hội và ra quyết định thành lập Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà xã Phú Hội để phát triển mô hình. “Tổ hợp tác chính thức hoạt động từ ngày 18-1-2019, ban đầu chỉ có 5 hộ tham gia. Ðây là những hộ gắn bó nhiều năm với mô hình trồng trà và có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cũng như kỹ thuật ướp, pha chế sản phẩm. Mời họ tham gia vào Tổ hợp tác để cùng chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, đồng thời vận động bà con tham gia ngày càng đông để mô hình ngày càng phát triển tốt”, ông Sang nói.

Hướng đi bền vững cho trà Phú Hội 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang cho biết thêm, trong thời gian tới, Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà xã Phú Hội sẽ duy trì chế độ hội họp đều đặn để các thành viên có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tổ chức các buổi hội thảo và mời chuyên gia về để chia sẻ những kiến thức bổ ích nhằm giúp bà con biết cách chăm sóc cây trà sao cho hiệu quả, cũng như giải pháp phòng ngừa một số bệnh trên cây trà; khuyến khích hộ trồng trà không được sử dụng thuốc để đảm bảo sản phẩm sạch, vì sức khỏe người dùng. “Dịp Tết này, chúng tôi sẽ tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản của trà Phú Hội tại các Hội chợ hoa Xuân nhằm thu hút khách hàng gần xa quan tâm nhiều hơn”, ông Sang nói.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây