Xuân Quý Mão 2022, Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai luyện tập và biểu diễn trước khi tham gia liên hoan năm 2023
Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai luyện tập và biểu diễn trước khi tham gia liên hoan năm 2023
Liên hoan đờn ca tài tử và múa bóng rỗi
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho biết, hàng năm trung tâm đều tổ chức liên hoan ĐCTT có sự tham gia của các CLB trên địa bàn tỉnh, phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán. Điểm mới của liên hoan năm nay là trung tâm mở rộng, có sự tham gia của 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và 3 tỉnh miền Tây: Long An, An Giang và Bến Tre. Bên cạnh ĐCTT sẽ có kết hợp với biểu diễn múa bóng rỗi. Dự kiến, liên hoan diễn ra từ ngày 1 đến 4-2 (từ ngày 11 đến 14 tháng Giêng âm lịch).
“Với chủ đề Bản sắc miền Đông, các nghệ nhân tham gia liên hoan ĐCTT sẽ biểu diễn các bài bản tài tử, vọng cổ, các thể điệu tự chọn... có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, những giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết, ca ngợi những thành tựu của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, vẻ đẹp của con người, vùng đất Đông Nam bộ... Riêng múa bóng rỗi sẽ có các hoạt động như: hát múa chầu mời thỉnh tổ, ca tụng thánh mẫu; hát múa dâng cúng lễ vật và biểu diễn tạp kỹ” - bà Hồng cho hay.
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho biết, Liên hoan ĐCTT và múa bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 là hoạt động rất ý nghĩa, bởi tháng Giêng là tháng kỷ niệm ngày mất của nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người đã có công khai sáng dòng nhạc ngũ cung. Nhạc sư cũng là nghệ nhân tiên phong đưa ĐCTT trở thành di sản của vùng đất phương Nam. Hiện nay, linh vị của nhạc sư được thờ phụng ở Văn miếu Trấn Biên.
“Cùng với ĐCTT, tháng Giêng cũng là thời điểm các đình, miếu thường diễn ra nhiều lễ hội. Trong các lễ hội luôn có biểu diễn múa bóng rỗi - thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…). Đây là sinh hoạt vừa mang tính nghi lễ, vừa nhằm mục đích giải trí độc đáo” - nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ.

Nghệ nhân Kim Phụng (bìa trái) luyện tập múa bóng rỗi
Nghệ nhân Kim Phụng (bìa trái) luyện tập múa bóng rỗi
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa
Có dịp đến dâng hương nơi thờ phụng linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại hậu đường của Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên, nhạc công đàn bầu Văn Rí (CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai) cho hay, ông cảm thấy tự hào bởi ở Biên Hòa đã có bàn thờ “tổ nghiệp” cho những người yêu ĐCTT. Mong muốn lớn nhất của những người theo đuổi nghệ thuật ĐCTT chính là có nhiều sân khấu biểu diễn, tiếp nối truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT để nó được lan tỏa và ngấm sâu vào đời sống cộng đồng.
Là một trong những người giữ gìn, phát huy và lưu truyền múa bóng rỗi tại TP.Biên Hòa, nghệ nhân Kim Phụng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, bà rất vui mừng và phấn khởi khi Đồng Nai tổ chức liên hoan ĐCTT và múa bóng rỗi, bởi trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động biểu diễn múa bóng rỗi tại các đình, miếu đều tạm hoãn. Bà Phụng bộc bạch: “Tôi đã tham gia nhiều liên hoan, hội diễn múa bóng rỗi trong và ngoài tỉnh. Ở đó, tôi được học hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để tiếp tục giữ lửa nghệ thuật diễn xướng dân gian - một trong những vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc”.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng, thông qua liên hoan sẽ góp phần bảo tồn giá trị của 2 loại hình nghệ thuật ĐCTT và múa bóng rỗi; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong dịp Tết đến, Xuân về. Qua đó, tăng cường sự liên kết vùng trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, tín ngưỡng dân gian của dân tộc.