Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng: Nhiều đơn vị đầu tư có chiều sâu

Thứ bảy - 20/08/2022 16:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Sau nhiều năm tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai ngày càng thu hút đông học sinh tham gia. Các trường học đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho “sân chơi” này. Nhờ đó, các giải pháp mang đến cuộc thi ngày càng gắn liền với thực tiễn, có tính ứng dụng cao.

Thực tế cho thấy, đơn vị nào có sự quan tâm sâu sát, đầu tư bài bản thì sẽ có nhiều giải pháp dự thi đạt chất lượng cao.

Ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh chấm thi
Ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh chấm thi

* 77 giải pháp được chọn dự thi cấp quốc gia

Sau 6 tháng tổ chức, ban tổ chức cuộc thi các huyện, thành phố đã nhận được 1.346 giải pháp dự thi, trong đó có 192 giải pháp xuất sắc được chọn dự thi cấp tỉnh. Trong tháng 7, Ban giám khảo đã tiến hành chấm thi, qua đó chọn được 73 giải pháp xuất sắc để trao giải. gồm: 1 giải đặc biệt, 8 giải nhất, 14 giải nhì, 20 giải ba và 30 giải khuyến khích. Trong đó, giải pháp Hệ thống giữ xe 2 bánh tự động của nhóm học sinh Trường THCS Thị trấn Long Thành (H.Long Thành) đạt giải đặc biệt.

Ban tổ chức cũng thống nhất chọn 77 giải pháp tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp Quốc gia, trong đó có 43 giải pháp đạt giải cao (đặc biệt, nhất, nhì, ba) của năm nay và 34 sản phẩm đạt giải cao của năm 2021.

Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ đạt giải cao như: H.Long Thành có 10/13 giải pháp dự thi đoạt giải (chiếm 77%); H.Trảng Bom có 14/20 giải pháp dự thi đoạt giải (chiếm 70%); H.Xuân Lộc có 11/20 giải pháp dự thi đoạt giải (chiếm 55%)…

Nhờ có sự đầu tư đúng hướng, giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo nên một số trường học đã đạt được kết quả cao trong cuộc thi này. Chẳng hạn, Trường THCS Hàng Gòn (TP.Long Khánh) có 2 giải pháp đoạt giải nhất; Trường THCS Võ Trường Toản (H.Vĩnh Cửu) có 1 giải pháp đoạt giải nhì, 1 giải pháp đoạt giải ba; Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) có 1 giải pháp đoạt giải nhì, 2 giải pháp đoạt giải ba…

Xuân Lộc là địa phương có nhiều giải pháp đoạt giải cao, trong đó: Trường THPT Xuân Lộc đoạt giải nhất với giải pháp Thiết kế và dựng video thực nghiệm hóa học 10 chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên danh pháp IUPAC; nhóm học sinh đến từ các trường THCS Phan Bội Châu, THCS Lê Lợi, THCS Trần Phú đoạt giải nhất với giải pháp Bộ học liệu điện tử song ngữ Việt - Anh hỗ trợ học môn Giáo dục địa phương lớp 6…

Tuy nhận được nhiều đánh giá tích cực, song Ban tổ chức vẫn cho rằng, kết quả này chưa tương xứng với vị thế của địa phương. Việc trùng lắp ý tưởng với các giải pháp đã đạt giải của năm trước còn khá nhiều; một số giải pháp đã đạt giải các cuộc thi khác nhưng vẫn tham gia cuộc thi này nên không được Hội đồng thông qua…

Giải pháp Hệ thống giữ xe 2 bánh tự động của nhóm học sinh Trường THCS Thị trấn Long Thành đạt giải đặc biệt của cuộc thi
Giải pháp Hệ thống giữ xe 2 bánh tự động của nhóm học sinh Trường THCS Thị trấn Long Thành đạt giải đặc biệt của cuộc thi

* Sáng tạo từ thực tiễn

Thực tế cho thấy, những trường học, giáo viên nào quan tâm đến cuộc thi và có sự đầu tư, hướng dẫn học sinh thường xuyên thì sẽ nâng cao chất lượng giải pháp dự thi. Bằng chứng là các giáo viên thường xuyên tham gia hướng dẫn luôn có học sinh đoạt giải trong cuộc thi này. Ví dụ như cô Trương Thị Trâm Anh (Trường THCS Quang Trung, H.Tân Phú), thầy Nguyễn Trường Sinh (Trường THCS Hàng Gòn, TP.Long Khánh), thầy Nguyễn Thanh Phương (Trường THPT Thống Nhất A, H.Trảng Bom), thầy Thân Trúc Điệp (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom), cô Phan Thị Phương Thảo (Trường THCS Võ Thị Sáu, H.Trảng Bom)…

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế trong sản xuất của người dân địa phương, các em cũng có nhiều công trình mang tính ứng dụng, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như: combo - 3 sản phẩm dành cho chị em nội trợ (dụng cụ bóc vỏ măng trúc, dụng cụ tách lớp mỡ ra khỏi bì lợn, dụng cụ cắt hành lá); lưới wifi chống trộm bảo vệ nông sản cho nương rẫy; dụng cụ hỗ trợ nông nghiệp đa năng…

Bên cạnh đó, có nhiều công trình mang tính ứng dụng cao dành cho lĩnh vực giáo dục hoặc hỗ trợ học sinh trong học tập như: bộ phương tiện thông minh đa chiều định hướng dạy học trải nghiệm lịch sử địa phương Đồng Nai; LOTUS - nền tảng học tập và cung cấp thông tin dành cho học sinh, sinh viên; bộ đồ dùng học tập để học chủ đề Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời; bộ dụng cụ hỗ trợ cách gọi tên tiếng Anh các nguyên tố hóa học - hợp chất hóa học trong khoa học tự nhiên (chương trình giáo dục phổ thông năm 2018)… Đa số các công trình này đều nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc học của học sinh, giúp học sinh có điều kiện quan sát trực quan sinh động hơn, dễ hiểu bài hơn.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây