Cuộc thi ABU - Robocon 2018: Đại học Lạc Hồng bảo vệ thành công ngôi vô địch

Thứ hai - 27/08/2018 00:01
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Ngày 26-8, cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2018 (ABU Robocon 2018) đã diễn ra tại Nhà thi đấu Thể dục - thể thao tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và trao giải cuộc thi. Với chiến thắng ở giây thứ 16 trước đội tuyển Trung Quốc trong trận đấu gay cấn, kịch tính và đầy cảm xúc, đội tuyển Việt Nam 2 (LH-GALAXY) đã giành chiến thắng tuyệt đối (Rồng bay), bảo vệ thành công ngôi vô địch cuộc thi ABU Robocon. Đây là lần thứ 7 Việt Nam vô địch cuộc thi này, trong đó có 3 lần góp công của Trường đại học Lạc Hồng.

Cuộc thi thu hút 18 đội tuyển đến từ 17 quốc gia tham gia tranh tài (do có trục trặc trong việc vận chuyển nên có một đội tuyển đã không tham dự cuộc thi như dự kiến). Được biết, cuộc thi ABU - Robocon 2019 sẽ được tổ chức tại Mông Cổ.

Chuẩn bị chu đáo cho cuộc thi

Ý tưởng về chủ đề luật thi Robocon 2018 được hình thành dựa trên trò chơi dân gian quen thuộc mang tên “Ném còn”. Ngoài việc nêu bật được nét văn hóa truyền thống dân gian của Việt Nam qua ý nghĩa của trò chơi, đề thi của ABU Robocon  2018 còn đặt ra nhiệm vụ mang tính thách thức cao về mặt kỹ thuật đối với các đội thi.

Trước đó, ngày 25-8, Ban tổ chức đã tiến hành bốc thăm chia bảng với sự tham gia của cố vấn và đại diện các đội. Dựa trên kết quả trong buổi chạy thử sân, Ban tổ chức đã chọn ra 6 đội tuyển “hạt giống” có thành tích chạy thử tốt nhất gồm các đội tuyển đại diện cho Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và 2 đại diện Việt Nam là LH-GALAXY và LH-ATM của Trường đại học Lạc Hồng. Đây cũng là những đội tuyển có quyền ưu tiên bốc thăm chọn bảng trước. Theo kết quả bốc thăm, 18 đội tuyển tham dự ABU Robocon 2018 được chia thành 6 bảng, mỗi bảng gồm 3 đội.

Để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi, từ sáng 26-8, các đội tuyển đã tập trung tại khu vực kỹ thuật để kiểm tra thiết bị kỹ thuật và tiến hành thử sân nhiều lần. Các robot và trái còn cũng được Ban kỹ thuật cân đo, kiểm tra kỹ trước khi “đóng dấu” thông qua để được đưa vào sân. Thành viên của các đội tuyển cũng quan sát rất kỹ việc tập dợt của các đội bạn để đưa ra chiến thuật thi đấu hợp lý cho đội mình.


 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải cho đội LH-GALAXY (Việt Nam 2), nhà vô địch ABU - Robocon 2018.

Công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc thi được đánh giá cao. Anh Yoichiro Kawamura, thành viên đội tuyển Robo Tech (Đại học Tokyo - Nhật Bản) cho hay: “Không những Ban tổ chức mà các bạn tình nguyện viên cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình; khi chúng tôi gặp khó khăn thì các bạn giải thích rất cụ thể, chi tiết. Tôi cho rằng các bạn đã làm rất tốt khâu tổ chức”.

Năm nay, vì là nước chủ nhà nên Việt Nam được quyền cử 2 đại diện tham gia thi đấu. Cả 2 đội đều đến từ Đại học Lạc Hồng. Đây là 2 đội tuyển đã có mặt tại trân chung kết Robocon cấp quốc gia. Với lợi thế “cùng nhà”, hai đội LH-GALAXY và LH-ATM đã cùng luyện tập, thi đấu đối kháng để so sánh thành tích với nhau. Từ đó có những điều chỉnh, cải tiến về công nghệ để giúp nhau nâng cao thành tích thi đấu.


Đội tuyển LH-GALAXY vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

Sinh viên Trần Văn Hạnh, Đội trưởng LH-GALAXY (Việt Nam 2) cho biết: “Sau vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Robocon Việt Nam 2018, đội tuyển gần như phải thiết kế và hoàn thiện lại toàn bộ robot để tăng tính cạnh tranh với các đội mạnh như: Trung Quốc, Nhật Bản. Mục tiêu đề ra là cải tiến về cơ khí để giảm thời gian chiến thắng tuyệt đối (Rồng bay) của đội mình xuống. May mắn khoảng thời gian từ sau khi thi vòng chung kết toàn quốc đến vòng thi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là dịp hè nên đội có toàn bộ thời gian 2 tháng để tập trung chuẩn bị cho cuộc thi. Trong 2 ngày trước khi thi đấu, ngoài việc điều chỉnh, chuẩn bị cho cuộc thi, hai đội đều có thành viên đi quan sát cơ cấu, chiến thuật thi đấu của các đội bạn. Việc này giúp đội có thể linh hoạt về chiến thuật thi đấu với từng đối thủ”.

Gay cấn, kịch tính và đầy cảm xúc

Ở vòng đấu bảng, 2 đại diện của Việt Nam là LH-ATM (Việt Nam 1) và LH-GALAXY (Việt Nam 2) lần lượt thi đấu với đại diện của 2 quốc gia Malaysia, Sri Lanka và Iran, Ai cập. Trong trận Việt Nam 2 và Iran, đội tuyển chủ nhà đã giành chiến thắng tuyệt đối Rồng bay một cách nhanh chóng ở giây thứ 19. Ở trận thi đấu với Ai Cập, đội tuyển Việt Nam 2 tiếp tục giành chiến thắng Rồng bay ở giây thứ 18. Đội tuyển Việt Nam 1 tuy gặp sự cố kỹ thuật trong cả 2 trận đấu nhưng vẫn giành chiến thắng Rồng bay lần lượt ở giây thứ 56 và 61.

 
Các thành viên đội tuyển LH-GALAXY (Việt Nam 2) bình tĩnh thi đấu trong trận chung kết gặp đội tuyển Trung Quốc.

Cũng trong vòng bảng, đội tuyển Nhật Bản đã gặp phải sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc. Theo đó, ở lượt thi đấu đầu tiên với Ấn Độ, robot của đội tuyển Nhật Bản đã không thể di chuyển và không ghi được điểm nào. Trong lượt thi đấu thứ 2 với đội tuyển Mông Cổ, đội Nhật Bản đã kịp thời khắc phục sự cố ở những giây cuối cùng và đạt chiến thắng Rồng bay. Nhờ đó, đội tuyển Nhật Bản đã được ghi danh ở vòng tứ kết. Trước đó, khi thử sân, robot của Nhật Bản đã ghi được chiến thắng tuyệt đối Rồng bay ở giây thứ 13.

Ngoài Nhật Bản, một số đội tuyển cũng gặp phải sự cố kỹ thuật nhưng vẫn tham gia cuộc thi. Điều này cho thấy tinh thần học hỏi, đam mê kỹ thuật, công nghệ của các sinh viên trẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

 Rất đông học sinh đến cổ vũ cuộc thi, các em tỏ ra hào hứng khi được chứng kiến những trận tranh tài của các đội tuyển.

Kết thúc vòng bảng, 4 cặp đấu vào vòng tứ kết gồm: Đội Trung Quốc gặp đội Ai Cập, đội Thái Lan gặp Campuchia, đội Việt Nam 1 gặp Nhật Bản; đội Việt Nam 2 gặp đội Malaysia. Kết quả, các đội tuyển: Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Việt Nam 2 đã giành chiến thắng Rồng bay trước các đối thủ. 

Vòng bán kết là cuộc tranh tài của những đối thủ rất mạnh, đều là những ứng cử viên sáng giá của ngôi vô địch. Đáng nói, kết quả chiến thắng Rồng bay của các đội tuyển đều ở những mốc thời gian suýt soát nhau: Nhật Bản 16 giây, Trung Quốc và Việt Nam 17 giây. Vì thế, những trận đấu ở vòng bán kết diễn ra hết sức kịch tính. Trong trận Trung Quốc - Campuchia, đội tuyển Trung Quốc đã giành chiến thắng Rồng bay ở giây thứ 15. Trong trận Nhật Bản - Việt Nam 2, đội tuyển Việt Nam 2 đã giành chiến thắng Rồng bay ở giây thứ 16.

Trong trận chung kết, đội tuyển Trung Quốc đã ghi điểm trước. Tuy nhiên, trong cú ném còn quyết định, trái còn của đội tuyển Trung Quốc không rơi trúng đĩa vàng. Đội tuyển Việt Nam 2 dù ném còn chậm hơn nhưng trái còn đã rơi trúng đích và đã giành chiến thắng Rồng bay ở giây thứ 16 trong niềm vui vỡ òa của các cổ động viên có mặt tại Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình.

Như vậy, đội tuyển Việt Nam đã lần thứ 7 giành ngôi vô địch ở sân chơi này, trong đó có 3 lần góp sức của các đội tuyển đến từ Trường đại học Lạc Hồng. Đội tuyển Trung Quốc đoạt giải nhì; hai đội Nhật Bản và Campuchia đồng giải ba. Trong số các giải phụ được Ban tổ chức và các nhà tài trợ trao, đội tuyển Việt Nam 1 được trao giải “Đội có kỹ thuật tốt nhất”.

H.Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây