5 năm qua, người dân 8 phường tại TP.Biên Hòa đã ra quân thu gom được hơn 1,1 ngàn m3 rác thải ở 65 tuyến đường và khuôn viên các cơ sở thờ tự. Hay đã có 8 đợt thả cá với hơn 1,5 triệu con cá giống đã được các cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp để thả xuống hồ Trị An, H.Vĩnh Cửu… Tất cả những hoạt động này đã góp phần từng bước cải thiện cảnh quang, môi trường sống.
Người dân tham gia cải tạo mảng xanh trên tuyến đường ngay khu vực nhà ở do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Hòa, H.Trảng Bom phát động
Mỗi hành động đều nghĩ đến
Ngoài ra, nhiều cách làm hay, mô hình bảo vệ môi trường đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp cùng các ngành, địa phương, cơ sở thờ tự thực hiện.
Trong đó, ban quý tế đình, miếu tích cực tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường đến nhân dân bằng nhiều hình thức để nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi người. Bên cạnh đó, các thành viên ban quý tế cũng tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường do địa phương phát động như: làm sạch đẹp môi trường tại địa bàn dân cư, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh nơi cư trú, trồng thêm cây xanh, hạn chế sử dụng túi ny-lông, thay đổi thói quen trong việc đốt nhang, đốt giấy vàng mã…
Hay giáo xứ Đại An (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) đã vận động các giáo dân tại ấp trồng và chăm sóc các chậu bông, cây kiểng hai bên đường và vận động bà con giữ gìn vệ sinh tuyến đường luôn sạch, đẹp.
Riêng Ban Trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh phát động các ban y tế Phước Thiện tích cực trồng các loại cây thuốc nam, vừa bảo vệ môi trường, vừa làm nguồn nguyên liệu để chữa bệnh; đồng thời, vận động tín đồ trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường để ngăn ngừa các bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường gây ra…
Theo hòa thượng Thích Huệ Quang, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, 5 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động phật sự hằng năm và trong các buổi thuyết giảng tại các trường hạ, khóa tu phật giáo. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng đẩy mạnh việc giáo dục và truyền thông giáo lý đạo Phật về môi trường, giúp tăng, ni, đồng bào phật tử hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Bên cạnh đó, các cơ sở Phật giáo vận động phật tử trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc tại các tự, viện; giảm đốt nhang, vàng mã tại nơi thờ tự và trong gia đình.
Cùng với đó, thời gian qua Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và phòng TN-MT các huyện, thành phố phối hợp với ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường gắn với biên soạn, phát hành hơn 45 ngàn tạp chí, tờ rơi cùng trên 7,2 ngàn sổ tay tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn…, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và đồng bào các tôn giáo trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nhân rộng khu dân cư bảo vệ môi trường
Cùng với đó, qua thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, toàn tỉnh đang có hàng chục mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với hàng trăm hình thức triển khai khác nhau, góp phần nâng cao nhận thức của người dân ở khu dân cư về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh hợp lý; chủ động tổ chức các tổ tự quản bảo vệ môi trường và chia thành nhiều nhóm nhỏ theo khu vực khu dân cư. Các hoạt động tự quản từng bước đi vào nề nếp, được duy trì đều đặn, thường xuyên, góp phần giữ gìn vệ sinh trên địa bàn khu dân cư.
Ông Trần Văn Đễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Hòa, H.Trảng Bom cho hay, cuối năm 2020, thông qua mô hình Thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng các đơn vị đã phát động trồng cây xanh tại các tuyến đường khu dân cư.
Do các khu vực dân cư trên địa bàn xã hầu như người dân đã làm sân, làm lối đi nối từ đường chính vào nhà hoàn toàn bằng bê tông, nên để có không gian cho cây xanh, hoa phát triển, bà con đã cùng chính quyền địa phương đóng góp để tạo mảng xanh. “Chi phí mua chậu, đất sạch và phân bón do người dân chủ động đóng góp, riêng cây giống do xã chịu trách nhiệm. Đồng thời, mỗi nhà cùng hội đoàn thể cơ sở đảm nhận chăm sóc cây trước cổng nhà mình” - ông Đễ nói.
Tương tự, sau 1 năm trồng và chăm sóc, những hàng cây bông giấy, chuông vàng dọc theo tuyến đường Sông Thao - Bàu Hàm, đoạn qua xã Sông Thao (H.Trảng Bom) đã phát triển xanh tốt, bắt đầu trổ hoa, tạo nên cảnh quan xanh mát.
Ông Sằn Sình Hứng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sông Thao, cho biết thêm những chậu hoa được đặt dọc theo các tuyến đường bê tông, nhựa nóng chạy theo các khu dân cư tại xã đang được người dân chăm sóc kỹ càng và phát triển tốt, góp phần đưa màu xanh thiên nhiên vào từng khu dân cư.
Nguyễn Vân