Cụ bà giữ lửa phong trào văn nghệ người cao tuổi

Chủ nhật - 26/06/2022 11:59
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những ngày cuối tháng 6, TP.Biên Hòa lất phất mưa, những hạt mưa của trời đêm như làm dịu mát không khí bởi sức nóng của dòng người, dòng xe chạy ngược xuôi trên các con phố.

54f908a500bfc3e19aae.jpg?t=1752296424

Cụ Bùi Thị Thoa (ngoài cùng bên phải) cùng luyện tập hát dân ca quan họ với đội văn nghệ tại nhà văn hóa khu phố

Tại Nhà văn hóa KP.Cầu Hang, đội văn nghệ của cụ Bùi Thị Thoa (Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi KP.Cầu Hang, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) vẫn say sưa luyện tập. Những lời ca, điệu múa hòa cùng tiếng đàn réo rắt, khiến cho không gian nhỏ trở nên vui tươi, rộn ràng.

Thành lập đội văn nghệ người cao tuổi

Sinh năm 1941, mùa hè này cụ Bùi Thị Thoa bước sang tuổi 81, song cụ vẫn tích cực cùng mọi người tập hát chèo, dân ca quan họ và tập múa. Cụ Thoa cho biết, cụ sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, vốn không có hiểu biết sâu về âm nhạc, nghệ thuật, hát “không chuyên" nhưng rất mê. Sau khi nghỉ hưu, cụ vào TP.Biên Hòa sống cùng với con cháu, tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương.

Với mong muốn tạo sân chơi cho những người cao tuổi, tôi đã đứng ra thành lập đội văn nghệ chuyên hát chèo, dân ca quan họ để phục vụ sinh hoạt của khu phố, của phường và thành phố trong những dịp lễ, Tết. Mặc dù tập hợp đủ người tham gia nhưng từng có lúc cả đội không còn dàn nhạc cụ, không có trang phục biểu diễn. Tôi và các thành viên tự mình gom góp, đặt mua ở nhiều nơi, từ Bắc vào Nam. Đến nay, đội văn nghệ có hơn 20 thành viên, hoạt động ổn định, có đủ trang thiết bị để sinh hoạt đều đặn vào tối thứ ba và thứ sáu hằng tuần" - cụ Thoa nói.

Theo cụ Thoa, Đội văn nghệ KP.Cầu Hang hiện là một trong những đội văn nghệ hoạt động tích cực nhất trên địa bàn, bởi thu hút đông đảo người cao tuổi có năng khiếu nghệ thuật tham gia. Không chỉ luyện tập, biểu diễn ở nơi sinh sống mà đội văn nghệ của cụ còn được mời đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong các hội thi, liên hoan cấp thành phố, cấp tỉnh, đoạt những giải thưởng cao.

Là người gắn bó với đội văn nghệ của cụ Thoa từ ngày mới thành lập, bà Minh Hợp cho hay, đội duy trì và phát triển như ngày hôm nay là nhờ cụ Thoa đi gặp gỡ từng người, tập hợp từng thành viên yêu ca hát và có chung một mong muốn khôi phục và gìn giữ văn hóa truyền thống. Hiện đội có thể biểu diễn nhiều thể loại, từ chèo, dân ca quan họ, nhạc cách mạng cho đến đờn ca tài tử… Việc tập luyện và biểu diễn khá thuận lợi khi các thành viên đã biết ứng dụng công nghệ, thường xuyên tìm hiểu các làn điệu, cách hát, cách múa trên internet, sau đó giới thiệu qua Facebook và Zalo.

“Ngoài việc luyện tập những ca khúc có sẵn, tôi cùng với cụ Thoa còn dành thời gian sưu tầm, tuyển chọn các làn điệu phù hợp với các hoạt động, sự kiện hằng ngày. Đến nay, đội văn nghệ đã có thêm hàng trăm bài hát được ghi chép cẩn thận, bài múa được luyện tập nhuần nhuyễn để đi biểu diễn, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, nhất là đời sống tinh thần của người cao tuổi ở địa phương" - bà Hợp bộc bạch.

Tạo sân chơi sống vui, sống khỏe, sống có ích

Dù đã 81 tuổi nhưng tình yêu với âm nhạc, nghệ thuật vẫn cháy trong tâm hồn cụ Thoa. Cụ thường xuyên cùng với đội văn nghệ đi biểu diễn ở khắp các địa phương trong tỉnh, tạo nên sân chơi ý nghĩa, thiết thực, để sống vui - khỏe - có ích như tiêu chí mà đội đã đặt ra. Cụ rất quan tâm đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ và những ai có nhu cầu học hát. Bởi vậy, có thời điểm cụ mời những nghệ sĩ, nghệ nhân am hiểu âm nhạc dân tộc về hướng dẫn cho các thành viên, kết nối và giữ lửa hoạt động phong trào.

Cụ Thoa cho biết, khi nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một bởi các loại hình nghệ thuật hiện đại lấn át, nhiều người dân còn chưa mặn mà với hát chèo, dân ca quan họ… thì trách nhiệm của những người cao tuổi như cụ là phải gầy dựng, tiếp lửa để người trẻ hiểu, yêu thích rồi đam mê mà theo đuổi.

23adb696bf8c7cd2259d.jpg?t=1752296424 

Cụ Bùi Thị Thoa (hàng cuối) cùng luyện tập múa với các thành viên trong đội văn nghệ do cụ thành lập tại nhà văn hóa khu phố

Cùng với đội văn nghệ, cụ Thoa còn thành lập đội thể dục dưỡng sinh với gần 30 thành viên. Sau mỗi buổi tập luyện, mọi người tụ họp lại với nhau giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống, giáo dục con cháu...

“Tham gia phong trào văn nghệ, thể thao không chỉ giúp chúng tôi hoạt bát hơn, tinh thần minh mẫn hơn, nâng cao sức khỏe mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là ngày càng có nhiều người trẻ cùng tham gia học hát chèo, dân ca quan họ, đờn ca tài tử… Chỉ cần có người học, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy để giữ gìn, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Qua đó, phát triển phong trào ngày càng sâu rộng, tạo sân chơi vui khỏe, bổ ích cho mọi người" - cụ Thoa chia sẻ.


Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây