Mặc dù còn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng các nhà giáo trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn lựa chọn tuyên dương đều là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháy dạy học; tích cực đóng góp cho công tác Đoàn, Đội và cộng đồng.
Vốn yêu thích nghề dạy học nên cô Phạm Thị Lĩnh, hiện là giảng viên Trường Đại học công nghệ Đồng Nai đã từ bỏ công việc có thu nhập cao ở một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và chuyển sang nghề dạy học.
Thầy Nguyễn Viết Trung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) dạy trực tuyến tại nhà
Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy
Cô Lĩnh cho biết, khi được làm công việc mà mình yêu thích cô rất thích. Vì vậy, 6 năm đứng trên bục giảng, cô không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong dạy và học; tích hợp các công cụ vào giảng dạy và học tập, giúp sinh viên biết cách sử dụng công cụ để giải quyết các vấn đề trong thực tế, tạo ra các sản phẩm tư duy sáng tạo. Đặc biệt, cô Lĩnh còn là tác giả của nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn như: sáng kiến ứng dụng phần mềm Canvas trong giảng dạy; đề tài về mô hình kinh doanh thức uống tốt cho sức khỏe trong trường đại học, mô hình kinh doanh đồ dùng cá nhân cho sinh viên…
Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, thầy Nguyễn Viết Trung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) còn tập huấn cho giáo viên trong trường sử dụng phần mềm Microsoft Teams (Bộ Office 365) để phục vụ giảng dạy trực tuyến trong thời dịch. Thầy Trung cho hay, dù là hình thức giảng dạy nào thì mục đích cuối cùng của việc dạy học chính là học sinh phải nắm được kiến thức. Vì vậy, để các giáo viên trong trường làm chủ được phần mềm, có thể thực hiện thao tác giảng dạy, ra bài tập, kiểm tra, điểm danh, hướng dẫn học sinh, thầy Trung đã tham gia tập huấn liên tục.
Đến nay, ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm từ giáo viên trẻ cho đến giáo viên chỉ còn vài tháng nữa nghỉ hưu cũng đã có thể sử dụng thành thạo phần mềm để giảng dạy và quản lý học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm Microsoft Teams, học sinh nắm được kiến thức bài học, có được kỹ năng về công nghệ thông tin như: cách cắt ghép hình, cách ghép video, xây dựng video, xây dựng bài thuyết trình…
Với niềm đam mê đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Lưu, Trường THPT Long Phước (H.Long Thành) đã giúp bao thế hệ học trò tìm được hứng thú với môn học Lịch sử. Cô Lưu chia sẻ, mỗi tiết dạy, cô luôn lồng ghép vào bài học những câu chuyện hay về lịch sử, cho học sinh hóa thân thành các nhân vật lịch sử, hoặc tổ chức trò chơi giúp học sinh vừa chơi vừa học, thậm chí lồng ghép trong các bài học những kỹ năng sống (tự nhận thức, thể hiện sự cảm thông, ra quyết định, giao tiếp, tìm kiếm sự hỗ trợ…).
Cô Đinh Thị Thu Thảo tham gia ủng hộ mô hình 30 ngày tiết kiệm mừng sinh nhật bác do Huyện đoàn Nhơn Trạch phát động
Tích cực tham gia phong trào
Không chỉ là những nhà giáo trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực chuyên môn mà các nhà giáo trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn lựa chọn tuyên dương còn là những cá nhân điển hình tích cực đóng góp cho công tác Đoàn, Đội; cống hiến vì cộng đồng.
7 năm công tác tại Trường THCS Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch), cô Đinh Thị Thu Thảo, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hiệp Phước đã có nhiều cách làm mới góp phần thu hút đông đảo đội viên, thiếu nhi đến với công tác Đội, nâng cao hiệu quả hoạt động tại liên đội. Cô Thảo cho biết, cô đã triển khai mô hình Vui học cùng Semaphore (là phương thức truyền tin). Theo đó, cô Thảo đã tạo một gian hàng trò chơi vào giờ ra chơi thứ hai hàng tuần. Tham gia trò chơi này, một học sinh làm chủ gian hàng trò chơi và chịu trách nhiệm phát tín hiệu Semaphore; các học sinh còn lại sẽ nhận tín hiệu, nếu đoán đúng sẽ nhận được một phần quà.
Cô Thảo còn áp dụng mô hình giáo dục STEM vào hoạt động Đội. Cô đã hướng dẫn để học sinh tự làm đồng hồ Semaphore, bảng ký hiệu morse, semaphore từ các vật liệu tái chế giúp các em tự học, vừa học vừa chơi, tiết kiệm thời gian tập luyện mà hiệu quả cao, đặc biệt tạo cho các em hứng thú đối với công tác Đội.
Với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Bí thư Đoàn khoa, cô Phạm Thị Lĩnh, Trường Đại học công nghệ Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong năm học 2020-2021, cô đã 2 lần vận động đoàn viên, thanh niên, sinh viên hiến máu tình nguyện; trao tặng các túi quà an sinh cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại H.Vĩnh Cửu; tổ chức các hoạt động Xuân yêu thương - Xuân tình nguyện; vận động, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Song song với các hoạt động trong tỉnh, cô Lĩnh còn tổ chức trao tặng 3 phòng máy vi tính (75 chiếc) cho học sinh ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn tại đơn vị, đồng thời tô thắm thêm màu áo xanh thanh niên Việt Nam.
Không chỉ đóng góp cho công tác Đoàn, Đội trường học, thời điểm "nóng bỏng" bởi dịch bệnh Covid-19, có không ít thầy cô giáo đã tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Theo lời kêu gọi của Huyện đoàn Tân Phú, cuối tháng 8 vừa qua, thầy Phan Tiến Sơn, giáo viên Tổng phụ trách Đội - Trường Tiểu học Phú Điền (H.Tân Phú) tình nguyện tham gia đội hình thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Biên Hòa. Thầy Sơn chia sẻ, thời điểm ấy dịch bệnh đang “nóng” nên nghe tin thầy tình nguyện chống dịch, người thân, bạn bè can ngăn vì sợ nhiễm bệnh. Thế nhưng, với suy nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, thầy Sơn có thêm niềm tin, nghị lực để lên đường chống dịch. Hơn nửa tháng hỗ trợ chống dịch tại TP.Biên Hòa, thầy Sơn sẵn sàng tham gia đội hình hỗ trợ tiêm vaccine, phân chia lương thực, thực phẩm, dọn dẹp chuẩn bị khu cách ly, bệnh viện dã chiến…
An Hạ