(CTT-Đồng Nai) Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hỗ trợ gia đình hoàn cảnh khó khăn có người thân qua đời lo việc tang ma là một trong những hoạt động được Hội Chữ thập đỏ các cấp quan tâm thực hiện thông qua kết nối các nguồn lực xã hội.
Điều này thể hiện được tinh thần nhân ái, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn trong cộng đồng. Qua đó, nhiều mô hình mại trợ táng đã được hình thành trong từng cộng đồng với nhiều hình thức trợ giúp phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn dân cư.

Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) trao kinh phí hỗ trợ cho một gia đình khó khăn lo đám tang cho người thân
Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) trao kinh phí hỗ trợ cho một gia đình khó khăn lo đám tang cho người thân
Xây dựng quy ước việc tang
Cụ thể, tại các địa phương trong tỉnh việc hỗ trợ, thực hiện tang ma trong cộng đồng được xây dựng thành quy ước chung với sự đồng thuận cao từ mỗi gia đình.
Như tại ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) khi trong ấp có việc tang, mỗi gia đình góp 5 ngàn đồng. Số tiền này được Ban ấp đại diện bà con đến phúng viếng, chia buồn cùng gia đình. Rồi hàng xóm láng giềng, người thân quen trong ấp vẫn tiếp tục đến phúng viếng.
Tương tự, từ sự đồng thuận chung, người dân các ấp ở xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ góp 10 ngàn đồng/hộ/năm để lo việc tang xảy ra trong cộng đồng. Từ số tiền này, mỗi khi gia đình nào có việc tang, Ban Công tác Mặt trận ấp đến phúng viếng, chia buồn. Hộ nào quá khó khăn, neo đơn, Ban Công tác Mặt trận ấp tiếp tục vận động thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ lo việc tang cho người đã khuất.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Tây, xã có 12 ấp. Tùy theo quy ước mà các ấp có cách vận dụng khác nhau trong việc xây dựng văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong đó việc chung tay quan tâm gia đình người có việc tang được chú trọng thực hiện ở tất cả các ấp.
Còn tại ấp Thái Hòa (xã Phú Túc, H.Định Quán), từ năm 2005 thông qua sự đồng thuận của người dân, Ban ấp đề ra quy ước mỗi hộ góp 10 ngàn đồng khi trong ấp có người không may qua đời. Số tiền này được Ban ấp trao ngay cho gia đình có người mất. Sau đó bà con lối xóm tiếp tục đến thăm hỏi, phúng điếu theo phong tục.
Tình nguyện hỗ trợ mai táng
Ngoài những đóng góp chung của cả cộng đồng theo quy ước khu dân cư, nhiều cá nhân còn trực tiếp đứng ra nhận việc mai táng giúp gia đình có người thân qua đời.
Như với Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát (H.Xuân Lộc), việc hỗ trợ mai táng cho hoàn cảnh khó khăn đã trở thành một hoạt động được duy trì nhiều năm và là địa chỉ để người dân tìm đến khi khó khăn. Như mới đây, đội cùng Đoàn Thanh niên xã trao 17 triệu đồng do đội vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình anh N.V.L.
Anh Nguyễn Thanh Phong, Đội trưởng Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát cho hay, anh N.V.L là công nhân công ty gạch có gia cảnh khó khăn. Do vậy đội đã giúp gia đình lo đám tang cho trường hợp này. Chị L.T.L.T vợ anh N.V.L cho hay, chồng ra đi để lại chị cùng đứa con nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ của Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát cùng Đoàn Thanh niên xã mà gia đình đã lo được đám tang cho người qua đời.
Tương tự xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cũng là địa phương thực hiện được mô hình này, được người dân đón nhận khi duy trì hiệu quả Đội mai trợ táng. Ông Huỳnh Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Hòa cho hay, Đội Mai trợ táng là thành viên của Hội Chữ thập đỏ xã và đã duy trì hoạt động được 16 năm. Khi gia đình hoàn cảnh khó khăn nào có người thân qua đời, thành viên đội sẽ nắm thông tin, tìm hiểu nhu cầu trợ giúp của gia đình. Từ đó, đội sẽ hỗ trợ quan tài, lương thực thực phẩm làm thức ăn trong những ngày đám tang diễn ra. Trong quá trình diễn ra đám tang, nếu phát sinh thêm chi phí thì thành viên của đội tự nguyện góp tiền để hỗ trợ cho gia chủ. Qua đó, mỗi năm có từ 2 - 4 trường hợp đã nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình này.
Còn tại KP.5, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom), nhiều năm qua nơi đây đã duy trì Ban tang lễ nhằm hỗ trợ gia đình trong khu phố có người thân qua đời. Theo đó, khu phố có 1,1 ngàn hộ dân với 11,4 ngàn người thường trú cùng trên 8,5 ngàn người ở trọ. Đây là khu phố đông dân nhất trong số 5 khu phố của thị trấn.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố, KP.5 cho hay, để gắn kết mọi người, nhiều mô hình, phong trào đã được triển khai ở khu dân cư nhằm tạo sự gắn kết trong cuộc sống đối với từng gia đình. Qua sự đồng thuận của người dân, Ban điều hành khu phố đã lập ra Ban tang lễ. Bà con góp tiền mua đồng phục cho thành viên Ban tang lễ rồi góp tiền phúng viếng để Ban điều hành khu phố đại diện đến chia buồn với từng hộ với mức 300 ngàn đồng/trường hợp. Riêng gia đình nào ở khu phố mà có cha mẹ qua đời ở quê xa thì khu phố cử đại diện gọi điện thăm hỏi, chia buồn và áp dụng hình thức phúng điếu tương tự.