Đời sống âm nhạc nghệ thuật hiện nay rất sôi động, âm nhạc và nghệ thuật ở Đồng Nai cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Mặc dù đầu ra khó hơn so với âm nhạc phương Tây, song qua theo dõi, âm nhạc dân tộc đã và đang có chỗ đứng trong đời sống và dần được biết tới.
Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc tham gia sinh
hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng
Đặc biệt, có rất nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh yêu thích âm nhạc dân tộc và theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, người trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn, thường loay hoay trước những lựa chọn và nhiều khi chưa gặt hái được kết quả đã bị nản chí. Do vậy, cần có sự định hướng để người trẻ hình dung về con đường với âm nhạc dân tộc.
Các cá nhân chung tay…
Nhạc sĩ Trần Viết Bính, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai là một trong những người tiên phong trong bảo tồn và phát huy âm nhạc đồng bào các dân tộc. Ông đã có nhiều năm lặn lội, đi sưu tầm dân ca các dân tộc: Mạ, Chơro, S’tiêng, K’ho, Chăm Islam ở vùng Đông Nam bộ. Âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số khiến tôi “say” và dành tâm huyết để gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện tại. Hiện toàn bộ những công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc, những ca khúc dành cho thiếu nhi… ông đều trao tặng cho bảo tàng, các trường học, nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
“Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc được tổ chức ở cơ sở, giúp cho những người trẻ, con em đồng bào các dân tộc được giao lưu; từ đó, trao cho họ cơ hội học hỏi, tìm kiếm động lực phát triển âm nhạc của mình” - nhạc sĩ Trần Viết Bính chia sẻ.
Theo bà Hoàng Thị Huyên, Đội trưởng Đội hát then, đàn tính xã Thanh Sơn (H.Định Quán), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phong trào học hát then đàn tính của bà con dân tộc Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn suốt 2 năm qua có phần chững lại. Tuy nhiên, hiện tại mọi người đã trở lại tập luyện, thích ứng an toàn với phòng, chống dịch. Ở địa phương cũng dành sự quan tâm đến phong trào hát then, đàn tính của bà con. Các hoạt động động viên, khích lệ đồng bào bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng đã được tổ chức như: biểu diễn trong lễ hội Lồng tồng đầu xuân; giao lưu trong các liên hoan, hội diễn của xã, huyện và của tỉnh.
“Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức tập luyện vào những ngày cuối tuần, hướng dẫn con cháu học và giữ lửa cho hát then, đàn tính của dân tộc mình. Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là các nghệ nhân phải có tâm huyết, đam mê để giữ lửa âm nhạc luôn cháy. Từ việc luyện tập tại nhà, người già hướng dẫn cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người biết ít… sẽ dần dần có thêm người am hiểu âm nhạc truyền thống. Nhờ vậy, sẽ có người yêu thích, có người theo học để rồi âm nhạc truyền thống tìm được vị trí và chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng” - bà Huyên nói.
Truyền nghề, kết nối phát triển du lịch
Năm 2022, Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai tiếp tục tuyển sinh 70 chỉ tiêu ở các chuyên ngành nghệ thuật với 4 khoa là: âm nhạc truyền thống, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc, múa. Để thu hút học sinh, nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động và có nhiều đổi mới trong tuyển sinh, về tận các ấp, khu phố, phối hợp với các trường học vùng sâu có đông con em đồng bào các dân tộc tìm kiếm năng khiếu âm nhạc, nghệ thuật.
Cùng với công tác tuyển sinh, nhà trường chú trọng hoạt động dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin để hội nhập. Từ dạy học, nhà trường sẽ có những định hướng cụ thể về nghề nghiệp để học sinh chuyên tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với Nhạc viện TP. Hồ Chi Minh đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Việc liên kết này đã và đang mở ra cho trường thêm một hướng đi mới, giúp học sinh, sinh viên nâng cao trình độ chuyên môn, theo học chuyên sâu các chuyên ngành yêu thích, phục vụ cho công việc về sau.
Nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, ngành VH-TTDL tổ chức nhiều hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là âm nhạc truyền thống dân tộc. Tiêu biểu như: tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu niên dân tộc Chơro ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu); mở lớp dạy nhạc cụ ngũ âm cho đồng bào Khmer tại H.Định Quán; đưa cồng chiêng của các dân tộc vào phục vụ tại một số khu, điểm du lịch…
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc kết nối phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành sẽ tổ chức các hoạt động liên hoan ca múa nhạc, dân ca, dân vũ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khích lệ người trẻ, đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống trong đời sống hôm nay.
Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập