Đổi mới công nghệ, thiết kế, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất là yêu cầu tất yếu của các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, DN Việt đa phần ở quy mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh trên thị trường hạn chế. Trong đó, nguồn lực chi cho đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo sản phẩm và chuyển đổi số trong quá trình sản xuất của DN còn thiếu.
Sản xuất tại một Doanh nghiệp ở Biên Hòa
Để sáng tạo ra sản phẩm và nâng sức cạnh tranh, cộng đồng DN mong chờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy từ Nhà nước để tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, thiết kế sản phẩm và số hóa sản xuất.
Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển còn thấp
Một khảo sát của Bộ KH-ĐT cho thấy, thời điểm hiện tại, các DN Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)…
Phần lớn các DN thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển.
Tại Đồng Nai, theo khảo sát của Sở KH-CN, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 là -56,05%. Đối tượng khảo sát là các DN có nguồn nhân lực từ 100 lao động trở lên. Chỉ số âm này đã phản ánh thực tế DN tại Đồng Nai trong giai đoạn này có khả năng hấp thụ công nghệ, làm chủ công nghệ chậm; thời gian chuyển giao công nghệ (hoặc thời gian nghiên cứu, cải tiến máy móc, thiết bị hoặc công nghệ) kéo dài, dẫn đến tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra chậm. Hiện nay, đa số các DN chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Trên thực tế, DN đều muốn được nâng cấp quy mô sản xuất, trình độ công nghệ nhưng không phải ai cũng làm được trong một sớm, một chiều vì còn vướng nhiều rào cản. Việc DN thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến DN chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số DN còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích DN hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo tác động đủ lớn cho các DN đầu tư.
Đơn cử như ngành sản xuất gỗ của Đồng Nai là một trong số ít các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị dù ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc DN ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới. Toàn tỉnh có hơn 1.500 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, bao gồm hơn 900 DN và 550 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Trong số đó, mới chỉ có 115/904 DN (chiếm 12,7%) có nhà máy đặt trong các khu và cụm công nghiệp tập trung. Các nhà máy này đa số là có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô vốn lớn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và có kinh nghiệm sản xuất, sản phẩm của họ đều hướng đến xuất khẩu. Số DN có nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá lớn (87,3%). Bên cạnh đó là những hạn chế về năng lực, năng suất sản xuất, công nghệ và nhân lực lành nghề, năng lực quản trị của DN còn thấp, đặc biệt là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong hệ thống quản trị còn rất non trẻ.
Tương tự, ông Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (DN chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ngũ kim ở TP.Biên Hòa) cho hay, hạn chế lớn nhất của đa số DN là thiếu vốn và mặt bằng sản xuất. Nâng cấp DN theo chiều rộng còn khó khăn chứ chưa nói đến nâng cấp theo chiều sâu để đổi mới công nghệ, năng lực quản trị một cách nhanh chóng. Điều này cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với các cơ chế, chính sách đặc thù, giúp DN hồi phục sản xuất, kinh doanh trước những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phan Anh