Còn nhiều khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Thứ ba - 31/10/2023 09:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) cho biết, thời gian qua, công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Kiểm tra công tác ATTP tại một nhà hàng ở TP.Biên Hòa
Kiểm tra công tác ATTP tại một nhà hàng ở TP.Biên Hòa

Chưa có quy định cụ thể

Theo ông Việt, do chưa có những quy định cụ thể về công tác thanh tra chuyên ngành nên hiện nay Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện kiểm tra ATTP theo quy định tại mục 3 Chương X của Luật ATTP và Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 1/12/2015 của Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, Chi cục phải đề xuất Chánh Thanh tra Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Điều này gây khó khăn và thiếu chủ động trong quá trình kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị.

Ngoài ra, công tác đấu thầu mua sắm test tại đơn vị quản lý xe kiểm nghiệm thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Ngay từ khâu thống kê số lượng từ các đơn vị có liên quan, công tác chuẩn bị đấu thầu xin báo giá thẩm định giá, mời thầu.

Một số hóa chất có thời gian làm kít test kiểm nghiệm dài (ví dụ thuốc bảo vệ thực vật cần khoảng 2 giờ mới có kết quả) trong khi đó mục đích của kiểm nghiệm nhanh là áp dụng được cho nhiều đối tượng kiểm tra trong một khoảng thời gian nhất định. Thời gian cho kết quả kiểm nghiệm quá dài không bảo đảm cho việc kiểm nghiệm trên diện rộng với số lượng mẫu lớn. Bên cạnh đó, mỗi xe kiểm nghiệm chỉ bố trí được 2 nhân viên kiểm nghiệm làm việc nên với số lượng mẫu lớn sẽ không đáp ứng được tính chất, yêu cầu công việc.

Tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh về cơ bản có giảm về số vụ qua từng năm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó kiểm soát. Trong khi ngộ độc tại các bếp ăn tập thể có chiều hướng giảm thì thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc methanol có chiều hướng tăng do nhiều nguyên nhân như: vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất rượu thủ công còn hạn chế; tình trạng lạm dụng rượu bia trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Việc xử lý vi phạm hành chính tuy có chuyển biến tích cực nhưng một số địa phương vẫn còn chưa mạnh dạn trong xử lý vi phạm hành chính, chủ yếu là nhắc nhở, đặc biệt là tuyến xã do đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu và chưa đủ mạnh, chưa có biên chế cán bộ chuyên trách ATTP nên tuyến phường, xã hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trên địa bàn tỉnh số lượng các cơ sở thức ăn đường phố và sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều. Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm dựa trên kinh nghiệm truyền thống về ATTP thường chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên số lượng các cơ sở thực phẩm thuộc đối tượng này vi phạm khá phổ biến.

Một số quy định của pháp luật thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, thiếu các quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm thực phẩm.

Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về ATTP nên việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP còn gặp nhiều khó khăn, chồng chéo…

Giải pháp trong thời gian tới

Để đảm bảo công tác ATTP, Chi cục ATTP kiến nghị Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban TVQH bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các chức danh khác theo quy định tại khoản 2, Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.

Chú trọng công tác kiểm tra về ATTP. Trong Quý IV năm 2023, sẽ tiếp tục kiểm tra theo kế hoạch đã được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt. Tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc yêu cầu về quản lý nhà nước. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm để cảnh báo cho người dân biết, không sử dụng thực phẩm của các cơ sở vi phạm.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông và tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, đặc biệt là dữ liệu về quản lý cơ sở, tình hình thanh tra, kiểm tra, cấp giấy, thu hồi giấy, vi phạm về ATTP.

Tiếp tục giám sát việc duy trì mô hình kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể trong quý IV năm 2023.
Rà soát, cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP (cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm) đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây